TPHCM:

Mãn nhãn xem màn bay liệng bắt cá của nhạn biển Cần Giờ

TPO - Vào lễ hội Nghinh Ông, người dân và du khách được mãn nhãn với những màn bay liệng bắt cá của những chú nhạn biển.
"Tôi đã lái ghe nghinh được 10 năm lễ hội. Người dân nơi đây tin tưởng vào Ông lắm. Mùa này thường có mưa bão nhưng thời điểm đi nghinh là trời êm, biển lặn. Năm nay nhạn biển còn về nhiều hơn. Người ta gọi nó là chim báo bão nhưng tôi thấy nếu nhìn theo mặt tích cực thì có nhạn biển là... có cá. Ngư dân nơi đây thường đánh bắt gần nên thấy nhạn biển có thể đoán luồng cá", ông Võ Văn Sáu (68 tuổi, thuyền trưởng ghe nghinh Ông) cho hay.
Từ ghe nghinh, người dân và du khách có thể theo dõi những pha biểu diễn bắt cá điệu nghệ của những chú nhạn biển. Với hệ sinh thái được bảo vệ tốt, Cần Giờ là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim tại Việt Nam với khoảng gần 200 loài, bao gồm các loài có sinh cảnh sống trên cạn và các loài chim di cư (Shorebirds). Nếu ai yêu thích chim, Cần Giờ sẽ là điểm đến xem chim vô cùng thú vị. Nơi đây được biết đến là một trong những Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) tại Việt Nam được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 21/01/2000.
Theo một số ngư dân, nhạn biển là loài săn mồi với kỹ năng điêu luyện như đại bàng. Với các mẻ lưới ngư dân thu về, loài nhạn biển này thường tranh thủ lao từ trên không xuống mặt nước cướp những chú cá trích, cá cơm... nổi lên mặt nước hoặc nhảy ra khỏi lưới. Những màn chao liệng bắt cá vây quanh đoàn ghe nghinh mang đến cho du khách một trải nghiệm khá kỳ thú bởi những hình ảnh này đa phần chỉ có thể thấy trên các chương trình truyền hình nước ngoài.
Một cảnh bắt cá ngoạn mục của nhạn biển. Để chiêm ngưỡng những chú nhạn biển chao liệng bắt cá, du khách có thể tham gia các tour du lịch bằng đường thủy, xuất phát từ TPHCM, Vũng Tàu, Tiền Giang... để đến Cần Giờ.

Thủy sản là ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Cần Giờ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Nghị quyết phát triển thủy sản đến năm 2030. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng ngành thủy sản đạt hơn 42.300 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên địa bàn huyện Cần Giờ có hơn 683 phương tiện tàu cá đồng loạt vươn khơi bám biển, với tinh thần vượt khó, thường xuyên thay đổi ngư lưới cụ, nâng cấp công suất máy, lắp đặt máy dò tìm hải sản, tìm ngư trường mới. Do đó, sản lượng đánh bắt được nâng lên với hơn 12.300 tấn trong 9 tháng đầu năm. Các tàu cá đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ có nhiều mô hình mới, diện tích sản xuất tiếp tục duy trì trên 4.500 ha. Ngoài các mô hình nuôi thủy sản truyền thống thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, huyện Cần Giờ đang phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng thu hoạch đạt hơn 30.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Mô hình nuôi công nghệ cao tiếp tục phát triển với hơn 300 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (tăng 30 ha so năm trước), năng suất bình quân đạt khoảng 40 tấn/ha/năm, cao gấp 6 lần so với mô hình nuôi thâm canh truyền thống, đóng góp mạnh mẽ vào sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện có 53 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, như: khô cá dứa, tổ yến, tôm thẻ chân trắng, mật dừa nước… Đồng thời, huyện cũng đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Cần Giờ cho sản phẩm tôm nước lợ, hàu và dừa nước. Bên cạnh đó, UBND TPHCM đang định hướng xây dựng thương hiệu Yến sào Cần Giờ mang tầm quốc tế.