Màn biểu diễn nhạc võ cổ truyền Bình Định dưới chân tượng đài anh hùng áo vải Quang Trung

TPO - Giữa thanh âm rộn rã khí thế của nhạc võ Tây Sơn, đoàn cán bộ, phóng viên và nhân viên báo Tiền Phong mãn nhãn với màn múa võ của các võ sinh trẻ tuổi Bình Định dưới tượng đài vua Quang Trung trong chuyến dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung. 

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm xuất bản số báo đầu tiên (1953 - 2023), báo Tiền Phong thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tại đây, đoàn cán bộ, phóng viên và nhân viên báo Tiền Phong có dịp theo dõi màn múa roi, đi quyền và hiểu thêm hào khí của đất võ Bình Định.

Võ học Bình Định được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm chọn lọc, lưu truyền. Độc đáo hơn nữa, Bình Định được mệnh danh là đất thơ, đất tuồng, đất võ. Vì vậy, tất cả tạo nên loại "nhạc võ" đặc sắc, với âm thanh kết hợp với võ nghệ nhằm nâng cao sĩ khí khi tập luyện cũng như xung trận.

Đầu tiên, đoàn cán bộ, phóng viên và nhân viên báo Tiền Phong được thưởng thức màn trống trận Tây Sơn với ba hồi: xuất trận, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn. Khá đặc biệt khi trống trận không bao gồm "thu quân", thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng cũng như sức mạnh không gì cản nổi của đội quân Tây Sơn từ lúc khởi nghĩa đến khi vua Quang Trung trị vì.

Trống trận Tây Sơn là một môn võ kết hợp giữa tinh thần thượng võ và âm nhạc cổ truyền.

Bên cạnh đó còn có sự tham gia của kèn và mõ, tạo nên sự uyển chuyển khi chuyển đổi giữa các hồi.

Kỹ thuật làm trống, cánh tay uyển chuyển cùng nghệ thuật vung dùi trống, kết hợp với tiếng kèn mang đến những cảm xúc tinh tế, lúc khoan lúc nhặt, lúc thúc giục như xuất trận, dồn dập khi xung trận, công thành và vui tươi lúc đại công cáo thành.

Nhạc võ Tây Sơn bao gồm hai phần: phần nhạc và võ.

Tiếp sau màn biểu diễn trống trận là liên tiếp màn trình diễn võ thuật mãn nhãn người xem của các võ sinh trẻ. Trong đó, có nhiều võ sinh nhí đã có nhiều năm luyện võ, như cặp võ sinh Đức Anh (8 tuổi) và Minh Trí (10 tuổi) trình diễn bài quyền căn bản công; Hồng Vân (10 tuổi) múa bài phong hoa đao...

Chia sẻ với báo Tiền Phong, Hồng Vân cho biết đã có 4 năm luyện võ Tây Sơn - Bình Định. "Trong gia đình có anh trai học võ trước, em rất thích nên đã theo học cùng. Luyện võ không chỉ giúp em có thêm sức khỏe mà còn luyện được tinh thần, bản lĩnh", Hồng Vân nói.

Các võ sỹ nhí biểu diễn võ thuật cùng loại vũ khí đặc trưng dưới thời Tây Sơn.

Anh Đặng Công Lập (cán bộ Bảo tàng Quang Trung) cho biết, trình diễn võ thuật là một trong những hoạt động thường xuyên dành cho du khách, các đoàn đại biểu đến tham quan Bảo tàng Quang Trung. Tham gia biểu diễn là các võ sinh đến từ nhiều "lò" trên địa bàn tỉnh; trong đó có nhiều võ sinh mới học lớp 1.

Có thể nói, võ là một phần trong mỗi con người Bình Định, là hồn cốt của mảnh đất oanh liệt và bi tráng. Không chỉ là những đường quyền, miếng võ mà đi vào mọi ngõ ngách trong đời sống, từ hội lễ, văn học dân gian đến nghệ thuật như tuồng và hát bội. Đó là lý do võ cổ truyền Bình Định được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành niềm tự hào không chỉ người dân Bình Định mà của cả đất nước.

Những vũ khí độc đáo là kết quả của sự sáng tạo trong hàng trăm năm. Ví dụ như chùy đơn, loại vũ khí có khối tròn ở đầu (trong chiến trận được làm bằng kim loại).

Trong 18 món binh khí Tây Sơn còn có đao, với lưỡi to bản và chuốt cong về phía trên. Đây là đoản đao, còn Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng khi xưa dùng đại đao.

Còn ở đây là song đao, đòi hỏi sự linh hoạt và biến hóa của người sử dụng.

Roi (côn) là vũ khí đặc trưng dưới thời Tây Sơn, cuộc khởi nghĩa của những người nông dân. Mặc dù đơn giản nhưng rất lợi hại khi cận chiến.

Thương (giáo) là một sự nâng cấp của côn, với đầu nhọn nhằm tăng tính sát thương. Thương thiên về đâm hơn đả.

Võ thuật Bình Định luôn đề cao tinh thần thượng võ và tinh thần dân tộc, vì vậy được lưu truyền qua nhiều đời và bền bỉ với thời gian.

Ngày nay, nhạc võ Tây Sơn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân Bình Định, từ lễ hội truyền thống đến các sự kiện lớn. Đó trở thành niềm tự hào của người dân miền đất võ, nơi sinh ra anh hùng áo vải Quang Trung và triều đại Tây Sơn.