Năm 2003, ông Mahathir nghỉ hưu sau 22 năm làm thủ tướng. Nhưng ông quyết định tái xuất chính trường để sửa chữa điều ông gọi là “lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi” - để ông Najib Razak làm thủ tướng. Ông Mahathir giúp ông Razak lên lãnh đạo từ năm 2009, nhưng sau đó lại nỗ lực không mệt mỏi để lật đổ vị thủ tướng này.
Trong suốt hơn 2 thập kỷ, ông Mahathir đứng ngạo nghễ trên vũ đài thế giới như một người khổng lồ của châu Á, được nhớ đến với những bài phát biểu bốc lửa về các sự kiện quốc tế và lý thuyết của ông về “các giá trị châu Á”, trong đó đề cao vai trò của chính quyền và lợi ích tập thể hơn là khái niệm về quyền cá nhân của phương Tây. Khi ông thôi chức năm 2003, Malaysia được ca ngợi như một tấm gương tỏa sáng cho các thị trường đang phát triển noi theo, vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1990 tốt hơn hầu hết những “con hổ” kinh tế khác ở khu vực. Trong khi một số nhà lãnh đạo cùng thời như Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines và Tổng thống Muhammad Suharto của Indonesia bị lật đổ trong các cuộc nổi dậy của dân chúng, ông Mahathir đã chủ động trao quyền cho người kế nhiệm sau 22 năm làm thủ tướng.
Dù cam kết sẽ nghỉ hưu lặng lẽ và đứng ngoài chính trị, ông Mahathir vẫn là người đi đầu trong vụ loại bỏ người kế nhiệm Abdullah Badawi để thay thế bằng ông Najib. Đến khi ông Najib trở thành trung tâm của vụ bê bối tham nhũng liên quan đến hàng tỷ đô la Mỹ chuyển qua quỹ đầu tư nhà nước 1MDB, một lần nữa ông Mahathir là người chỉ trích dữ dội nhất, cho dù là người cùng đảng với ông Najib. Ông ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamad vừa trở thành thủ tướng đắc cử của Malaysia, sau đó chọn cách ra khỏi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) để lập đảng chính trị riêng nhằm lật đổ ông Najib.
“Khi bạn có một thủ tướng tham nhũng thì chắc chắn đất nước của bạn không thể trở thành thứ gì khác ngoài tham nhũng. Từ đất nước được ngưỡng mộ như một mô hình chứng minh một quốc gia đang phát triển có thể vươn lên như thế nào, chúng tôi giờ đã được biết đến như một trong 10 nước tham nhũng nhất thế giới – cho thấy mọi thứ thay đổi ra sao dưới thời của Najib”, ông Mahathir nói với tạp chí Financial Times.
Nhiều doanh nhân và nhà ngoại giao phương Tây cũng đồng ý rằng tình trạng tham nhũng ở Malaysia hiện nay tệ hơn trước đây. Ông Mahathir có bị cáo buộc lạm quyền, nhưng được đánh giá là quan tâm đến quyền lực hơn tiền bạc.
Ông Mahathir tham gia UMNO ở tuổi 21 và làm nghề y trong 7 năm tại bang Kedah trước khi trở thành nghị sĩ vào năm 1964. Năm 1969, ông mất ghế và bị đuổi khỏi đảng sau khi viết một bức thư ngỏ để chỉ trích Thủ tướng Malaysia hồi đó là ông Tunku Abdul Rahman. Ông Mahathir sau đó viết một cuốn sách gây tranh cãi với tựa đề “Thế khó của người Mã Lai”, trong đó nói rằng cộng đồng người Mã Lai đã bị gạt ra rìa xã hội và cũng buộc phải chấp nhận bị coi là công dân hạng hai. Nội dung cuốn sách gây chấn động cho các lãnh đạo trẻ của UMNO nên ông được mời quay lại đảng, được tái cử vào quốc hội năm 1974 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục. Trong vòng 4 năm, ông đã trở thành phó chủ tịch đảng và đến năm 1981 trở thành thủ tướng.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Malaysia vươn lên thành một trong những con hổ kinh tế của châu Á trong những năm 1990. Những dự án danh tiếng như tháp đôi Petronas thể hiện tham vọng của nhà lãnh đạo này. Theo giới quan sát, những chính sách vừa thực dụng vừa độc tài giúp ông giành được sự ủng hộ rộng khắp trong nước nhưng cũng bị chỉ trích vì vấn đề nhân quyền và hạn chế tự do báo chí.
Đấm rồi xoa
Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bị sa thải với cáo buộc nhận hối lộ và quan hệ tình dục đồng giới qua đường hậu môn rồi sau đó bị kết án tù vì tội danh tình dục vào năm 1998. Nhiều người cho rằng đây là chuyện vu khống nhằm làm mất uy tín của ông Ibrahim.
Trước cuộc bầu cử vừa qua, ông Mahathir thừa nhận ông đã làm sai nhiều thứ và xin lỗi về những điều đó, không chỉ vì chuyện sa thải ông Anwar. Ngày 9/5, ông Mahathir giành được chiến thắng lịch sử, đánh bại các cựu đồng minh sau hơn 60 năm đảng UMNO nắm quyền. Ông Mahathir nói rằng ông định đảm nhiệm vị trí thủ tướng trong 2 năm rồi bàn giao cho ông Ibrahim.
Trong khi đó, ông Najib chỉ trích ông Mahathir thay lòng với đảng của mình, gọi ông là “diễn viên số một” của Malaysia trong vụ việc của ông Anwar. “Tôi phải lắc đầu không tin nổi khi nhìn thấy những trò hề của ông ấy”, ông Najib nói.
Sẽ đàm phán lại nhiều thỏa thuận với Trung Quốc
Vài giờ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Mahathir nói rằng chính phủ của ông có thể sẽ đảo ngược một số chính sách mà UMNO áp dụng. Ông Mahathir nói rằng ông ủng hộ sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc nhưng Malaysia có quyền đàm phán lại các điều khoản trong một số thỏa thuận với Bắc Kinh nếu cần. “Chúng tôi không có vấn đề gì với sáng kiến đó, ngoại trừ việc chúng tôi không muốn thấy quá nhiều tàu chiến ở khu vực này vì tàu chiến này sẽ kéo theo tàu chiến khác”, Reuters dẫn lời ông Mahathir nói trong cuộc họp báo.
Malaysia là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ các cam kết đầu tư của Trung Quốc ở châu Á, với các dự án hạ tầng trị giá 34,2 tỷ USD liên quan đến sáng kiến Vành đai - Con đường. Khi được hỏi về ý tưởng Malaysia sẽ đàm phán lại các thỏa thuận, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua không nói thẳng vào vấn đề, nhưng khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp.
Ngược với thời kỳ bùng nổ vào những năm 1980 và 1990, Malaysia ngày nay thường được dẫn như một ví dụ của “bẫy thu nhập trung bình”, nghĩa là khi một quốc gia đạt tới mức độ thịnh vượng vừa phải thì sẽ khó nâng chất lượng sống lên cao hơn nữa. Tổng sản phẩm quốc nội trung bình của Malaysia đang ở mức hơn 10.000 USD, tương đương 1/5 của nước láng giềng Singapore.