Cục Thống kê TP Đà Nẵng vừa có báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 11 và 11 tháng năm nay.
Theo báo cáo, thu ngân sách nhà nước chịu ảnh hướng lớn do những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới. Nền kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, tình hình sản xuất gặp khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới giảm, thu nhập người dân giảm tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất công nghiệp, suy giảm do mặt bằng lãi suất cao và tổng cầu sụt giảm.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do trung ương ban hành tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách của thành phố.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố sơ bộ đến 20/11 đạt gần 18.500 tỷ đồng (giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt gần 5.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt hơn 13.500 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (86,7%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cũng như giải quyết các chế độ, chính sách sau đại dịch đã tác động trực tiếp đến nguồn thu này, hầu hết các khoản mục thu đều giảm sâu. Điển hình như khoản thu về nhà, đất (giảm 13,5%) do thực hiện Quyết định số 01 ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến nguồn thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Tính cùng thời điểm năm 2022, tổng thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn đạt gần 4.200 tỷ đồng thì năm nay khoản thu này chỉ đạt hơn 2.100 tỷ đồng, giảm đến 49,1% (tương đương giảm hơn 2.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, về chi ngân sách nhà nước, đến thời điểm tháng báo cáo, thành phố đã sử dụng linh hoạt các nguồn ngân sách địa phương, đồng thời kịp thời điều chỉnh dự toán ngân sách đối với các nhiệm vụ không triển khai được cho các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/11 đạt hơn 23.000 tỷ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022). Cụ thể, chi đầu tư phát triển đạt gần 7.670 tỷ đồng (tăng 7,4%). Hoạt động chi thường xuyên đạt hơn 15.300 tỷ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước)
Đáng chú ý, do chủ trương siết chặt các khoản chi chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ chính, cấp thiết hơn trong 11 tháng, các khoản chi như chi sự nghiệp đảm bảo xã hội chỉ bằng 77%; các khoản chi khác chỉ bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết: Lũy kế 11 tháng, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 3.800 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 16.120 tỷ đồng. Con số đăng ký này giảm 8,1% về số doanh nghiệp (tương đương hơn 4.180 doanh nghiệp) và giảm 23,6% về số vốn (tương đương hơn 21.100 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2022.
Trong khi đó tốc độ phát triển có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định do một số ngành nghề vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn còn tăng hơn 15 % so với cùng kỳ…