Lùm xùm Thần đồng đất Việt: Hoạ sỹ Lê Linh thắng kiện

TP - Sáng 18/2 toà án nhân dân Quận 1- TPHCM đã tuyên án vụ kiện dân sự về tác quyền liên quan bộ truyện tranhThần đồng đất Việt. Theo kết quả tại tòa, hoạ sỹ Lê Linh đã thắng kiện với việc được công nhận là tác giả của bộ truyện tranh Thần Ðồng Ðất Việt. Như vậy, sau 13 năm dai dẳng, vụ kiện của họa sỹ Lê Linh với công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị) cũng đã đến được hồi kết.
Các nhân vật trong Thần đồng đất Việt

Sự thật không thể tranh cãi

Trong phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Quang Huynh cho rằng căn cứ vào tài liệu hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận thấy, theo quy định của pháp luật, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm sáng tạo ra tác phẩm, thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định. Tác giả là người sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Những điều nằm trong suy nghĩ, tồn tại dưới dạng ý tưởng thì không phải là tác phẩm văn học, khoa học. Trước khi tác phẩm Thần đồng đất Việt xuất hiện thì trên thị trường chưa hề có sự hiện diện của 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. 

Trong nhiều năm liền, trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Bên cạnh đó, chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp, khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt. Trong thời gian đó, bên Phan Thị cũng không hề lên tiếng cải chính về việc họa sĩ Lê Linh không phải là tác giả. Công ty này trả tiền nhuận bút cho ông Linh, đây cũng là điều chứng minh bị đơn thừa nhận vai trò tác giả của ông Linh. Việc bị đơn cho rằng việc bà Hạnh đã hình dung ra nhân vật Thần đồng đất Việt trong suy nghĩ, nhờ ông Lê Linh vẽ lại, điều này không có cơ sở vì không được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định và không được pháp luật bảo hộ.

Từ những lập luận này, HĐXX nhận thấy ngoài ông Lê Linh thì không còn bất kỳ ai tham gia vào quá trình sáng tạo ra tác phẩm Thần đồng đất Việt. Bà Hạnh không phải là tác giả của 4 hình tượng nhân vật nêu trên. Bị đơn cho rằng ông Linh ký tên vào văn bản đăng ký ở Cục Bản quyền thừa nhận cả hai là đồng tác giả, HĐXX cho rằng, văn bản trên có chữ ký của cả 2 bên đề nghị Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu cho Công ty Phan Thị; văn bản có chữ ký của cả ông Linh và bà Hạnh, không có nội dung ghi ai là tác giả hay đồng tác giả mà chỉ ghi chủ sở hữu là của Phan Thị.

Với yêu cầu của Lê Linh buộc Phan Thị chấm dứt quyền tạo ra các biến thể khác, xét trong quá trình giải quyết vụ án, 2 bên đều thừa nhận Phan Thị tạo ra các tập truyện sau dựa vào 4 hình tượng do ông Linh sáng tạo; việc sáng tạo từ tập 79 trở về sau là việc làm tác phẩm phái sinh.

Xét thấy Phan Thị là chủ sở hữu 4 hình tượng Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo nên có quyền làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên bị đơn lại không có quyền cắt xét tác phẩm, làm các hành động gây phương hại đến uy tín tác giả. Đối chiếu quy định của pháp luật, việc Phan Thị tiếp tục sáng tác các tập truyện (từ tập 79) là hành vi sửa chữa tác phẩm, không được sự đồng ý của tác giả. Ngay cả khi ông Linh là đồng tác giả thì việc làm này cũng là xâm phạm quyền nhân thân.

Tòa án đã tuyên công nhận họa sỹ Lê Linh là tác giả duy nhất bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt và bốn hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh ba kỳ liên tiếp trên các báo. Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng (yêu cầu ban đầu của nguyên đơn là 20 triệu đồng).

“Tôi tin tại phiên tòa Phúc thẩm tôi sẽ tiếp tục thắng kiện vì những chứng cứ quan trọng, bị đơn đã trình bày hết tại phiên sơ thẩm. Ngoài ra sự thật tôi là tác giả bộ truyện nên tôi không có gì phải lo lắng ở những phiên tòa cao hơn”.          Họa sỹ Lê Linh

“Chúng tôi  sẽ kháng án”

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Vân Nam - Người đại diện cho bên bị kiện là công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Ông Nam cho biết trong thực tế, sức sáng tạo của nhân viên do doanh nghiệp đầu tư thì đương nhiên việc sử dụng thành quả sáng tạo đó thuộc về chủ sử dụng lao động chứ không thể là của nhân viên được. Nếu nhân viên nào cũng coi sáng tạo là của bản thân, cũng lại lấy lý do rằng doanh nghiệp sử dụng sáng tạo đó là xâm phạm quyền Nhân thân hay quyền Tác giả để cản của doanh nghiệp, của chủ lao động thì làm sao doanh nghiệp có thể phát triển được? Các doanh nghiệp sẽ không muốn đầu tư, không khuyến khích nhân viên sáng tạo. Mà không sáng tạo thì sao có thể phát triển trong thời đại 4.0 được. “Tôi ví dụ như ở Google, Facebook hay Microsoft, mỗi tập đoàn như thế họ có hàng chục ngàn nhân viên sáng tạo, nếu nhân viên nào cũng đòi quyền sở hữu, quyền sáng tạo và đi kiện thì thử hỏi các tập đoàn kia có lớn mạnh như hiện nay không?”- Ông Nam nêu vấn đề.  

Ông Nam cũng cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay nếu so sánh với Công ước Berne thì vẫn còn nhiều thiếu sót, nên trong quá trình giải quyết vụ việc của Thần đồng đất Việt, Luật này đã áp dụng những điều khoản chưa phù hợp. Ông Nam nói: “Tôi không ngạc nhiên trước kết quả  tại phiên toà sơ thẩm vì trong lĩnh vực quyền tác giả, Việt Nam không phải là nước đang phát triển mà là nước kém phát triển. Tôi sẽ kháng cáo và ở cấp phúc thẩm, tôi hy vọng sẽ chứng tỏ nhiều vấn đề cụ thể. Quan trọng nhất là qua phiên toà, nhiều người trên thế giới có thể thấy tuy là nước kém phát triển nhưng Việt Nam đang dần có những thay đổi trong cách nhìn nhận đánh giá về quyền tác giả”.

Về phía mình, họa sỹ Lê Linh khẳng định: “Tôi tin tại phiên toà Phúc thẩm tôi sẽ tiếp tục thắng kiện vì những chứng cứ quan trọng, bị đơn đã trình bày hết tại phiên sơ thẩm. Ngoài ra sự thật tôi là tác giả bộ truyện nên tôi không có gì phải lo lắng ở những phiên toà cao hơn”. 

Nội dung vụ kiện Thần đồng đất Việt

Năm 2006, hoạ sỹ Lê Linh khởi kiện công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị) về việc tranh chấp bản quyền liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. TAND TPHCM đã tổ chức hoà giải 3 lần mà không thành, sau đó lại chuyển xuống cho TAND quận 1 thụ lý theo đúng thẩm quyền. Vụ kiện cũng đã 3 lần thay đổi thẩm phán, nhiều lần hoà giải cũng như nhiều dự kiến xét xử nhưng mãi tới 28/12/2018, TAND quận 1 mới chính thức đưa ra xét xử. Tuy nhiên, 1 lần nữa phiên tòa lại bị hoãn bởi vắng mặt bên bị kiện và phải dời tới ngày 24/1 năm sau. Phiên tòa ngày 24/1/2019 kéo dài suốt cả ngày cũng không thể kết thúc bởi tòa nhiều lần nghị án. Tới ngày 1/2, tòa đã tiếp tục với phần nhận định của đại diện Viện kiểm sát. Ngày 14/2, phiên tòa tiếp tục nhưng cũng chưa kết thúc và phải tới ngày 18/2, Phiên tòa mới tuyên án.