Luật giao dịch điện tử bắt đầu có hiệu lực từ 1/3/2006

Quốc hội sáng 19/11 ''bấm nút'' thông qua Luật giao dịch điện tử với 72,27% đại biểu tán thành. Phạm vi điều chỉnh chủ yếu là giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại.

Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về thông điệp điện tử; chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử...

Công nhận và bảo vệ hợp đồng điện tử

Nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử được Luật nêu rõ: lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử là tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; được tự thoả thuận về việc lựa chọn công nghệ để thực hiện giao dịch; không một công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn…

Luật công nhận và bảo vệ hợp đồng điện tử: ''Giá trị của hợp đồng không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp truyền thống''.

Các bên tham gia hợp đồng điện tử có quyền tự do thoả thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết hợp đồng; có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân theo quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.

Khuyến khích cơ quan nhà nước giao dịch điện tử

Đẩy mạnh ứng dụng tin học vào quản lý hành chính, Luật yêu cầu: ''Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội và tình hình cụ thể, cơ quan nhà nước xác định một lộ trình hợp lý để sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động nội bộ, với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác''.

Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn phương thực giao dịch với cơ quan nhà nước nếu cơ quan nhà nước đó chấp nhận giao dịch theo phương tiện truyền thông và phương tiện điện tử.

Khi tiến hành giao dịch điện tử, cơ quan nhà nước phải quy định cụ thể về: định dạng, biểu mẫu của thông điệp dữ liệu; loại chữ ký điện tử, chứng thực điện tử trong trường hợp giao dịch điện tử cần có chữ ký, chứng thực điện tử; các quy trình bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, bí mật của giao dịch điện tử.

Cấm cản trở sử dụng giao dịch điện tử

Luật nghiêm cấm các hành vi: cản trở việc lựa chựa sử dụng giao dịch điện tử, cản trở ngăn chặn trái phép quá trình truyền gửi và nhận thông điệp dữ liệu; thay đổi, xoá, huỷ, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm (virus) làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác…

Tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Luật cũng giao cho Bộ Bưu chính Viễn thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.

Theo Luật giao dịch điện tử, Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký và chứng thư điện tử theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định liên quan khác.