Dù thủ đoạn không thay đổi nhiều nhưng danh sách nạn nhân đang ngày một dài hơn vì nhữgg bức thư gửi đến có nội dung "mượt" hơn cả truyện ngôn tình.
Những lời "có cánh"
Gặp nhiều chuyện buồn trong tình cảm cá nhân, đầu tháng 8/2015, chị Nhung (SN 1985, ngụ Hoàng Mai, TP.Hà Nội) tìm đến website henho.org kết bạn.
Với thông tin trên hồ sơ cá nhân là “tìm người yêu lâu dài”, ngày 10/8 một người đàn ông tên James Russell gửi thư điện tử cho chị, bày tỏ nguyện vọng muốn được tìm hiểu để tiến đến hôn nhân.
“Anh hiểu rằng em không biết nhiều tiếng Anh nhưng anh rất sẵn lòng hướng dẫn cho em”, James mở đầu lá thư với cố gắng xóa bỏ rào cản ngôn ngữ. Qua lá thư “giãi bày tâm sự” thứ hai, James cho biết anh ta đã ly hôn từ năm 2006, có một con gái tên Lisa, năm nay 14 tuổi, đang học trung học tại Arizona.
Xen giữa những chia sẻ về cuộc hôn nhân tan vỡ, nỗi buồn khi vợ bỏ theo người đàn ông khác, James dành cho chị Nhung những lời “có cánh”: “Anh muốn em biết rằng, gặp được em là điều tuyệt vời và hạnh phúc của cuộc đời anh”, “Anh hiểu giá trị của em đối với cuộc đời mình và anh cảm ơn em từ sâu thẳm trái tim”, “Lá thư của em đã mang đến cho anh một ngày tươi sáng”...
Cũng theo bức thư tình thứ hai James viết để tự giới thiệu, anh ta sống lạc quan, thích thưởng thức opera, nhạc đồng quê, không hút thuốc lá và chỉ uống rượu vang đỏ chứ không uống rượu mạnh.
Đặc biệt, James là một người không ngừng học hỏi. Anh ta tốt nghiệp đại học Chicago, làm việc tại trung tâm nghiên cứu sau đó theo học thạc sĩ tại Đại học King London.
“Em biết không, anh vẫn tiếp tục học mỗi ngày”, James viết. Hiện công việc của James là giám sát dự án tại Glasgow, thành phố lớn nhất Scotland. Người đàn ông “chuẩn tuyệt đối” này đề nghị cô gái thủ đô kể nhiều hơn về bản thân, công việc, ngày sinh nhật cũng như phương châm sống.
“Anh rất hạnh phúc nếu em có thể là người phụ nữ lý tưởng bên anh”, James vào thẳng vấn đề và cuối thư bày tỏ hy vọng tha thiết được sớm gặp mặt chị Nhung. Cũng sau lá thư này, James bắt đầu đạo diễn cho một kịch bản tình yêu qua thư...
Khoảng 10g sáng thứ Sáu ngày 21/8, sau phản hồi cảm ơn ngắn gọn của chị Nhung, James tiếp tục gửi thêm một bức thư với nội dung xúc động.
“Cưng ơi, em ngủ ngon không? Buổi tối của em thế nào, tình yêu của anh? Cảm ơn Chúa đã mang chúng ta đến bên tình yêu và có một mối quan hệ nghiêm túc. Anh hiểu em không thể tâm sự nhiều với anh bằng tiếng Anh.
Anh muốn em biết rằng anh đã học tiếng Việt hồi đại học vì được các bạn học người Việt dạy. Em có thể viết cho anh bằng tiếng Việt. Anh rất nhớ em và anh hình dung ra lúc gặp em, nhìn vào mắt em khi chúng ta ngồi uống cà phê cùng nhau. Và, anh sẽ nói cho em biết rằng em đẹp thế nào”, James viết.
"Ngất" vì tình, mất tích vì tiền
Ngày 28/8, James cho biết được Công ty xây dựng TRI (công ty James làm việc) giao nhiệm vụ đi Stockholm, Thụy Điển giám sát dự án cho phía đối tác là công ty xây dựng NCC. Phía đối tác đã chuyển cho đại diện của TRI là James số tiền 520.000USD.
Do nóng lòng muốn gặp chị Nhung, James đã lên kế hoạch đến Việt Nam vào ngày 18/9. Kèm thư, người đàn ông “tài năng” này gửi cho chị Nhung xem bản thỏa thuận dự án đã ký kết. Bốn ngày sau, James tiếp tục gửi thư cho chị Nhung, kèm theo là vé máy bay đã đặt.
Theo đó, chuyến bay chở James khởi hành từ Stockholm sẽ quá cảnh tại Pháp và đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11g ngày 18/9. James nhờ chị Nhung tìm một căn hộ vì anh ta không thích ở khách sạn. Căn hộ này, James cho biết sẽ dùng 50% tổng số tiền được đối tác Thụy Điển thanh toán để mua khi anh ta đến Việt Nam.
Ngày 4/9, James nói số tiền 250.000USD đang nằm trong ngân hàng Nordea và muốn chuyển trước để chị Nhung mua nhà. Để có thể chuyển tiền thuận lợi, chị Nhung phải điền thông tin theo mẫu của ngân hàng bao gồm địa chỉ nhà, số điện thoại.
Dưới mẫu đăng ký, James không quên nhắc đến tình yêu và sự nhớ mong tha thiết “người vợ” (lúc này James gọi chị Nhung là vợ) ở Việt Nam.
Chỉ với 12 dòng thư, người đàn ông này hào phóng gửi đến chị Nhung tổng cộng 25 chữ “love” và “honey”. Cuối thư ký tên: “Chồng em - James”.
Thư thông báo xác nhận với ngân hàng Nordea được chuyển đến trong ngày kế tiếp, James viết: “Ngôn ngữ không thể nào diễn tả hết được anh yêu em nhiều đến dường nào trừ khi chúng ta gặp mặt. Anh đang tìm đến em và cảm ơn em đã cho anh được làm điều này. Anh yêu em nhiều vô vàn ngay trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời. Gửi em triệu nụ hôn”.
Nói với phóng viên báo Phụ Nữ, chị Nhung cho biết: “Ban đầu tôi thật sự ngây ngất với nội dung tình cảm trong thư của James và phân vân trước số tiền quá lớn mà anh ấy muốn chuyển về Việt Nam. Các thông tin, hình ảnh về hộ chiếu, chuyến bay, hợp đồng làm việc của James đều có giấy tờ chứng minh nên tôi gần như không mảy may nghi ngờ”.
Theo trình bày của chị Nhung, ngày 8/9, thư làm việc chính thức của ngân hàng Nordea văn phòng Thụy Điển được gửi đến từ địa chỉ nordea. grps@vip.cn. Phần thông tin trụ sở ngân hàng ở Smalandsgatan 17, SE-105 71 Stockholm hoàn toàn chính xác khi đối chiếu với thông tin về Nordea trên các trang thông tin của chính phủ Thụy Điển.
Người đại diện Nordea xưng tên Olle Lindberg thông báo đã quy đổi số tiền 250.000USD do James chuyển tương đương với khoảng 5,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để giao dịch được thực hiện, Nordea yêu cầu chị Nhung chuyển phí giao dịch quốc tế cho đại lý ủy quyền của Nordea tại Việt Nam thông qua tài khoản Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Trong lúc đang chuẩn bị tiền nộp phí, chị Nhung lại nhận được thư của James với nội dung nhắc nhở chị nhanh chóng gửi phí cho ngân hàng Nordea. Đính kèm thư lần này không phải các loại giấy tờ như những lần trước mà là hình ảnh bàn tay rướm máu.
“Ngày hôm qua, anh đã bị thương ở bàn tay khi đang làm việc và phải tức tốc vào bệnh viện”, James mở đầu thư như thể để chia sẻ sự cố với “vợ”, còn câu chuyện 1.200USD chỉ là phần phụ do anh ta bị ngân hàng Nordea nhắc nhở.
Ngay trước khi chị Nhung chuyển tiền thì có thông tin, chị Huyền - một phụ nữ độc thân kinh doanh mỹ phẩm tại Bắc Giang bỗng dưng mất tích. Cách đó hai tuần, chị Huyền cũng nhận được hàng loạt bức thư tình như chị Nhung.
Chỉ khác là chị Huyền không chuyển “phí giao dịch quốc tế” qua tài khoản ngân hàng mà đi từ Bắc Giang xuống sân bay Nội Bài để đưa cho “đại lý được ủy quyền”. Sau ba lần đi “nộp phí” mất gần một tỷ đồng, chị Huyền trở về nhà và có các dấu hiệu rối loạn thần kinh. Chủ nợ kéo đến mỗi lúc một đông.
Thấy câu chuyện khá tương đồng nên chị Nhung đã ngừng giao dịch để kiểm chứng thông tin về “người chồng ảo”. Quả thật, James đã không xuất hiện.