Chỉ biết rằng dạo ấy, những người được vào chiến đấu và làm nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam đều được gọi là đi B.
Lễ giao quân đồng thời cũng là buổi mit-tinh trọng thể của Thành Đoàn và Thành Đội Hà Nội phối hợp tổ chức ngay tại Nhà hát Nhân Dân, nơi ngày xưa dưới thời Pháp là khu Đấu Xảo, từ sau ngày giải phóng được sửa lại làm nhà hát ngoài trời của thành phố, nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô.
Trên lễ đài cờ tổ quốc, cờ đoàn, và biểu tượng ngọn đuốc truyền thống được treo trang trọng bên cạnh khẩu hiệu lớn nổi bật hàng chữ: “Ba sẵn sàng”. Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm và khẩn trương đúng với không khí thời chiến.
Sau bài phát biểu giao nhiệm vụ của thành đoàn là lời hứa quyết tâm của chúng tôi được thể hiện bằng tiếng hô vang dậy cả quảng trường: “Sẵn sàng”.
Ngay sau đó, mỗi người chúng tôi được phát hai cái bánh mỳ và cứ như thế trong đội hình cả tiểu đoàn lúc đó mang tên tiểu đoàn Ba Đình, hành quân thẳng ra ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội bây giờ) để suốt đêm đó sau khi xuống tàu đi bộ về Phú Bình (Thái Nguyên), bắt đầu ba tháng luyện tập khẩn trương để kịp ngày 9/7/1965 lên đường vào chiến trường miền Nam.
Đây là lớp thanh niên Ba sẵn sàng của Hà Nội trong đội hình một tiểu đoàn thực binh đầu tiên mang phiên hiệu tiểu đoàn 602 trung đoàn 250A của sư đoàn 312 theo nhiệm vụ từ miền Bắc hành quân vượt Trường Sơn để bổ sung cho sư đoàn 9 - một sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân giải phóng miền Nam sẽ được thành lập tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Chia tay Hà Nội
Hôm chia tay Hà Nội, đoàn tàu đưa chúng tôi sau khi qua cầu Long Biên bắt đầu chạy chậm lại. Lúc này cửa trên các toa mới được mở tung ra và chúng tôi đều nhìn lại Hà Nội trước lúc đi xa.
Qua Cửa Nam, đồng bào đứng hai bên đường như cũng đoán được đoàn tàu chở quân vào chiến trường miền Nam nên đều dừng lại rất đông và giơ tay vẫy chào tiễn đưa. Chúng tôi chỉ còn kịp ném vội những phong thư, có khi chỉ là những mẩu giấy viết tay ghi địa chỉ và báo tin cho gia đình. Tất cả đều được mọi người đón nhận và trân trọng cất đi như chính thư người thân của mình.
Con tàu cũng chỉ dừng lại trên đường ray phía trong cùng của sân ga để mấy nhân viên đường sắt lên làm vệ sinh và phục vụ bữa ăn trưa rồi đúng 13 giờ lại chuyển bánh tiếp tục đưa chúng tôi tiến về phía Nam, để lại hai bên đường những cánh đồng lúa đang chín rộ và những làng quê với những hàng cau san sát cứ lùi dần về phía sau.
Tiểu đoàn chúng tôi có một tháng hành quân trên đất Bắc từ sau đêm xuống tàu ở ga Đò Lèn (Thanh Hóa), qua Nghệ An, Hà Tĩnh rồi tới Quảng Bình.
Những đêm hành quân trên đất Bắc là những đêm đầu tiên để lại những kỷ niệm khó quên trong đời những người con trai Hà Nội mặc áo lính ra đi trong phong trào Ba sẵn sàng ngày ấy.
Ban ngày chúng tôi được nghỉ và giấu quân trong các nhà dân bên đường. Chỉ khi mặt trời đã dần tắt sau những hàng cây xa tít phía chân trời và hoàng hôn buông xuống, chúng tôi mới từ các thôn làng tiến ra mặt đường trong màu áo xanh phủ kín lá ngụy trang, hành quân cho tới mờ sáng lại khẩn trương trở vào các thôn làng theo các trạm đã được cấp trên định sẵn.
Nhiều đêm hành quân trên quốc lộ 1, bộ đội và thanh niên xung phong mỗi đơn vị đi một bên đường. Tiếng hò tiếng hát vang động cả trời đêm, bừng bừng khí thế của tuổi trẻ lên đường cứu nước.
Đêm qua Nghệ An quê Bác, dù đã hai, ba giờ khuya, trăng sáng tỏ soi rõ những con đường đất gồ ghề trắng xóa nhưng dưới những mái nhà tranh hai bên đường vẫn vang lên những tiếng chào hỏi ân cần với những bát nước chè xanh còn ấm nóng từ tay các mẹ, các chị, các em như đã chờ đợi từ rất lâu để đưa tiễn những người con, người em mình ra trận.
Sau đêm cuối cùng hành quân trên đất Bắc, tiểu đoàn chúng tôi tiến sâu vào đại ngàn Trường Sơn theo một con đường mòn với năm giao liên người dân tộc dẫn đường để rồi sau mấy đêm hành quân chúng tôi bắt đầu vượt qua thượng nguồn sông Bến Hải, đặt những bước chân đầu tiên vào núi rừng phương Nam.
Thử thách đầu tiên là những trận đánh bom của máy bay phản lực Mỹ xuống những khu rừng trên đường mòn Hồ Chí Minh mà chúng nghi ngờ có dấu vết của những đơn vị chủ lực miền Bắc đang hành quân vào chiến trường miền Nam.
Đã có những đồng đội đầu tiên hy sinh, nằm lại ngay bên đường hành quân. Nhưng thử thách lớn hơn đến với chúng tôi lại là cuộc chiến đấu với đói rét và bệnh tật sau hơn hai tháng tiến vào rừng sâu với những cơn mưa triền miên tạo thành những con suối lớn, nước sông dâng cao ngăn cản đường đi.
Muỗi, vắt, khí hậu ẩm thấp và khó khăn lớn nhất lúc này là đã bắt đầu hết cả gạo và muối, phải chia nhau lên những nương mì đào mót những củ sắn còn lại, vào tận rừng sâu hái măng, đào củ mài, củ chụp, lặn xuống suối để bắt cá, bắt ốc, lấy rau môn thục để ăn thay gạo, nhưng rồi chỉ ít ngày sau tất cả mọi thứ đều cạn kiệt.
Nhiều anh em, nhất là số lính trẻ, tân binh, mới mấy tháng trước đây còn là những thư sinh Hà Nội, nay bị những cơn sốt rét rừng quái ác tàn phá cơ thể cộng với những ngày hành quân đường dài đói lả đã không vượt qua nổi bệnh tật. Đại đội nào cũng bắt đầu có anh em hy sinh, nguy cơ cả tiểu đoàn sẽ thương vong cao, không vào tới được chiến trường.
Cấp trên đã phải quyết định tạm dừng cuộc hành quân, lập bệnh xá dã chiến để cấp cứu những anh em bệnh nặng, tổ chức một số người khỏe mạnh vượt sông, suối, bắt liên lạc với trạm giao liên để lấy gạo, muối và thuốc men về cho đơn vị. Một lực lượng khác đi ngược về phía sau khiêng cáng những anh em ốm đau còn tụt lại dọc đường.
Phải hơn mười ngày sau chúng tôi mới củng cố được đội hình để tiếp tục hành quân về tới Phước Long, vị trí tập kết cuối cùng của đơn vị sau khi phải đau lòng vĩnh biệt mấy chục anh em hy sinh còn nằm lại trong những nấm mộ mới đắp trên những quả đồi hai bên đường, kết thúc cuộc hành quân 3 tháng 11 ngày gian khổ, ác liệt và đầy hy sinh trên con đường Trường Sơn những năm đầu của cuộc chiến tranh.
...Sau chiến tranh, những anh em còn sống đều đã phục viên chuyển ngành. Một số vẫn trong quân ngũ lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia, một số ở lại tham gia công tác tại thành phố Hồ Chí Minh còn đại bộ phận đã trở về Hà Nội.
Nhiều anh em sau những năm phấn đấu đã trở thành những cán bộ cao cấp trong quân đội, trong các cơ quan Đảng, nhà nước và chính quyền ở trung ương và Hà Nội.
Có anh em trở thành nghệ nhân và những doanh nhân thành đạt có một cuộc sống hạnh phúc nhưng cũng không ít người lại trở về với cuộc sống đời thường vất vả thiếu thốn, mang trên mình thương tật và di chứng của chất độc hóa học và bệnh tật của những năm tháng chiến đấu trong rừng sâu nước độc.
Giờ có anh em hy sinh vẫn còn nằm lại ở Trường Sơn, gia đình đến nay chưa có tin tức gì.
* *
*
45 năm đã trôi qua, kể từ ngày chia tay Hà Nội vào miền Nam đánh giặc Mỹ cho đến hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã có nhiều năm thanh bình.
Nhìn màu áo xanh của những thanh niên tình nguyện hôm nay với nhiều việc làm thiết thực đang tô đẹp thêm cuộc sống ngày càng sôi động và phát triển của thủ đô Hà Nội và cả nước, khiến tôi lại nhớ tới cũng màu áo xanh, nhưng là màu áo xanh lá cây của lớp thanh niên Ba sẵn sàng chúng tôi ngày ấy.
Nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Và chúng tôi, những người còn sống trở về, lúc ra đi đang ở tuổi 20 đầy sức sống như các bạn bây giờ nay đã bước vào tuổi 70.
Những năm tháng qua đi với bao biến cố thăng trầm của lịch sử để lại bao nỗi buồn vui song hình ảnh của những thanh niên Ba sẵn sàng của Hà Nội vẫn mãi mãi là niềm tự hào không thể nào quên.
Đặng Quang Ngọc
(Nguyên cán bộ Thành Đoàn Hà Nội)
Đi B 9/7/1965- Đại đội 1.Tiểu đoàn 602.
Trung đoàn 250A. Sư đoàn 312