Lớp học đặc biệt giữa sông Hậu

TP - Hơn tuần nay, gần 30 học viên ở cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) người bơi xuồng, chạy ghe ra bè cá của ông Bảy Bon giữa sông Hậu (cuối nguồn sông Mekong).... để học tiếng Anh.
Giáo viên hướng dẫn cho bà Bảy Muôn

Lớp học đặc biệt

Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) gần chục km về hướng thượng nguồn. Cồn rộng khoảng 70 ha với trên dưới 100 nóc nhà, trên cồn không có tiếng xe máy, nhà này cách nhà kia khá xa. Cuộc sống chủ yếu là vườn cây, ao cá xanh mướt quanh năm. Cuộc sống giản dị, đùm bọc giúp đỡ nhau, chân chất với giọng nói rặt miền Tây Nam bộ. 

Khoảng 5 năm nay, cồn Sơn nổi lên như hiện tượng ở ĐBSCL về phát triển du lịch cộng đồng. Mỗi năm đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng sông nước, cũng như tình người chân chất, thật thà của người dân xứ cồn.

Lớp học diễn ra vào chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần, kéo dài trong 2 tháng tại bè cá của ông Bảy Bon ở giữa sông Hậu. Nội dung là giao tiếp căn bản, về ngôi nhà, khu vườn, hũ nước mắm, sông rạch, bè cá... hay nói cách khác là làm sao mỗi người biết nói được bằng tiếng Anh những thứ mà gia đình mình có để phục vụ khách quốc tế.

Sở dĩ gọi lớp học này đặc biệt là bởi vì người học không phân biệt độ tuổi, lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi, có cả vợ chồng đầu tóc bạc trắng. Ai cũng đầy khí thế đi học lớp tiếng Anh đặc biệt này. Chưa kể, có vài gia đình cha mẹ, con cái giờ học chung 1 lớp. Với mục tiêu để giao tiếp với khách nước ngoài đến cồn Sơn.

Bà Tám Loan nổi tiếng là shipper già nhất xứ cồn (năm nay 60 tuổi), người gầy nhom chăm chú đánh vần từng chữ đầy khó khăn nhưng với sự trợ giúp của cô giáo bà cũng hoàn thành giới thiệu được tên mình bằng tiếng Anh. Bà mỉm cười nói: “Trước giờ làm lụng vất vả, chở thức ăn trên xe đạp cọc cạch từ đầu cồn đến cuối cồn rồi giao cho khách chứ có nói tiếng Anh gì đâu, gặp khách nước ngoài chỉ biết cười cái rồi bắt tay. Bây giờ nói giọng cứng ngắc, mắc cỡ nhưng thấy vui”.

Ngồi bên cạnh, chị Bùi Thúy Liễu (chủ nhà vườn Phương Mi) cùng con gái 8 tuổi miệt mài đánh vần giới thiệu tên mình. Chị Liễu cho biết, vừa chuẩn bị cơm nước cho cha chồng xong rồi mới cùng con gái bơi xuồng đến đây học. “Trước giờ phục vụ khách du lịch nước ngoài mà chỉ nói vỏn vẹn được câu “Hello” rồi giơ tay chào chứ thêm câu nữa không nói được, còn lại là hướng dẫn viên họ nói thay mình”, chị Liễu cho hay.

Khát khao nói  tiếng Anh

Ông Nguyễn Thành Tâm (chủ nhà vườn Thành Tâm) làm dịch vụ tát mương bắt cá và cá lóc bay cho biết, mấy năm nay làm du lịch tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài nhưng họ hỏi gì không biết đường nói, chủ yếu là ra dấu và nhờ hướng dẫn viên giúp. Tuy nhiên, những lúc không có hướng dẫn viên thì “mù tịt” chẳng biết nói gì. Vì thế, khi có lớp này thì mọi người háo hức tham gia học để giao tiếp, ít ra nói cũng được vài câu với khách nước ngoài.

Vợ chồng ông Lý Văn Bon (hay còn gọi Bảy Bon), 58 tuổi chăm chú nghe cô giáo dạy. Ông Bảy Bon nổi tiếng ở xứ cồn này là sưu tầm và bảo tồn các loài cá độc, lạ trên dòng Mekong để phục vụ khách du lịch đến tham quan. Điển hình là cá “tên lửa”, loài cá này có nguồn gốc từ vùng Amazon ở Nam Mỹ và cũng được gọi là một loài thủy quái. Cùng với cá “tên lửa”, ông còn mang về nuôi 2 loài cá có nguồn gốc từ Nam Mỹ khác là cá hồng vỹ mỏ vịt và cá cọp. Trên bè của Bảy Bon còn có cá Koi (Nhật Bản) với đủ màu sắc tuyệt đẹp khiến nhiều du khách thích thú, chụp ảnh kỷ niệm. Tất cả các loài cá được ông sưu tầm, mua từ người dân đánh bắt trên sông Mekong.

Đó chỉ là khoảng chục loài để phục vụ khách du lịch, chứ còn cá nuôi thương phẩm trên bè như thác lác, rô phi... mỗi năm xuất bán cả trăm tấn. Đặc biệt, ông đang nghiên cứu, cho sinh sản thêm nhiều loại cá độc đáo, lạ nữa để phục vụ khách du lịch và đa dạng thêm các loài cá tự nhiên.

Ông Bảy Bon cho biết, từ khi có dịch COVID -19 mới không đón khách nước ngoài. Trước đây mỗi ngày đón vài đoàn khách. Họ đến để nghe giới thiệu về các loài cá mà ông đang nuôi nhưng tất cả phải qua lời của hướng dẫn viên. “Không biết ngoại ngữ rất thiệt thòi khi tiếp khách, chủ yếu là ra dấu nhưng riết cũng mỏi tay. Sản phẩm của mình thì chính mình chia sẻ sẽ tâm huyết hơn”, ông Bảy Bon bộc bạch.                                                                                                      

Thầy Tạ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Huyền Lê ở Cần Thơ (đơn vị hỗ trợ miễn phí cho lớp học) cho biết, tuy gặp khó khăn do nhiều độ tuổi và công việc họ bận rộn nhưng bù lại tinh thần học tập của người dân rất hăng say. “Chúng tôi kỳ vọng qua lớp học này chính người dân ở cồn sẽ giới thiệu cơ bản nét văn hóa, những sản phẩm mà gia đình mình có cho du khách để góp phần phát triển du lịch cồn Sơn nói riêng và thành phố nói chung”, thầy Khôi nói.