Trò nghèo muốn học, cứ đến đây!
Con xóm nhỏ ngay trước chợ Cồn lao nhao, chật chội, toàn người với người, đủ loại thanh âm hỗn tạp. Thật khó hình dung lớp học “mọc” được ở chốn này. Chị Thi Thị Hải, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) lách qua mấy quán nhỏ, xe bán thức ăn chen chúc đầu kiệt rồi đi thẳng vào nhà sinh hoạt cộng đồng. Căn nhà khang trang, rộng rãi, tiếng trẻ con từ lầu 2 vọng xuống liên hồi. “Sáng thứ 5, chiều thứ 7, Chủ nhật cả 2 buổi sáng chiều, tụi nhỏ nắm lịch tới đây đều đặn, đúng giờ. Từ năm 2021, lớp bắt đầu mở, mỗi ngày một đông”, chị nói. Duyên cớ mở cái lớp này cũng chỉ vì thương tụi nhỏ sau đợt dịch COVID-19 nhiều em học online hổng kiến thức, gia cảnh lại khó khăn không có tiền đi học thêm.
Thế là dịch lắng xuống, Hội phụ nữ cùng hơn 20 thầy cô giáo về hưu và đang giảng dạy trên địa bàn mở lớp học 0 đồng. Ban đầu chỉ dạy học trò cấp 1, “chiêu sinh” bằng cách nhờ tổ dân phố, cán bộ phụ nữ rà soát những em nhỏ mồ côi, khó khăn, đau ốm, con của mẹ đơn thân… ở quận đến học. Lớp gần hai chục trò, từ lớp 1 tới lớp 5, thành thử một buổi thường có nhiều cô giáo kèm cặp. Những bài vở học trực tuyến trước kia không nắm rõ, kiến thức trên lớp chưa hiểu, thầy cô giảng lại tỉ mỉ, nhờ vậy mà sau mấy tháng, học lực của tụi nhỏ khá hơn, em nào cũng muốn tới lớp. Phụ huynh mừng quá, truyền tai nhau lớp học miễn phí mà hiệu quả không ngờ, vậy là càng nhiều người muốn gửi con tới.
Từ năm nay, các thầy cô mở thêm lớp 6, với ba môn chính Toán, Văn, Anh. Một sáng Chủ nhật, vào giờ tiếng Anh, gần 30 học trò quây quanh cô giáo cười rôm rả chơi trò chơi đoán chữ. Ngô Khánh Phương Linh (lớp 6, trường THCS Kim Đồng) chia sẻ rằng trước đây chỉ mong cuối tuần để được ở nhà, nhưng từ khi biết lớp học này, Linh lại rất háo hức đi học. “Em thấy học ở đây rất vui, cô dạy dễ hiểu. Nhất là môn tiếng Anh, em có thể trao đổi thoải mái với cô, sai cũng không sợ, không ngại. Còn môn Toán và Văn thì các cô giúp em nắm chắc hết kiến thức cơ bản”, Linh nói. Các cô tâm tình, dạy miễn phí cho các em nhưng ai cũng hết mình, thậm chí còn hơn cả ở trên trường để các em tiến bộ, phụ huynh thấy kết quả mà động viên con theo học, đừng bỏ cuộc.
Từ lớp học đơn sơ ban đầu với những bộ bàn ghế cũ bỏ không xin lại từ các trường, các cô tự bỏ tiền túi ra mua bàn ghế mới cho các em ngồi học. Các tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân cũng đồng hành với lớp học 0 đồng, tổ chức cho các em đi tham quan bảo tàng, vui chơi Trung thu, trao quà, phần thưởng động viên học tập.
Nhìn tụi nhỏ vô tư, phấn khích với lớp, các cô giáo xót thương mỗi em một cảnh. Có cháu không cha, có cháu ở với ông bà, cháu thì nhà khó quá không dám đi học thêm dù học rất yếu. Hồi đầu, lớp chỉ nhắm vào các em trên địa bàn, nhưng một vài trường hợp ở xa, gia đình tha thiết cho con được học nên các thầy cô đồng ý. “Có phụ huynh ở tận quận Cẩm Lệ, chạy xuống đây hơn chục cây số, vậy mà buổi nào chị cũng đưa con tới chỉ vì cháu muốn học và được học miễn phí. Bây giờ mình giúp được cháu nào thì cố gắng giúp chứ không khoanh vùng nữa. Trò nghèo muốn học, cứ đến đây”, cô Tống Thị Hiệp, giáo viên về hưu mở lòng.
Cho mẹ sinh kế
Đến đón con sau giờ học sáng cuối tuần, chị Trần Thị Lan Hương (38 tuổi, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) kể, chị là mẹ đơn thân, đang nghề làm tóc. Lần nọ chị Hải tới quán, thấy con trai chị cứ quẩn quanh ở nhà nên giới thiệu về lớp học 0 đồng để cháu tới học thử. “Hai mẹ con tôi ngạc nhiên lắm, lớp 0 đồng mà có thời khóa biểu hẳn hoi, nhiều thầy cô, dạy nhiều môn. Nửa tin nửa ngờ nhưng cháu đi học một buổi về thì trầm trồ “dạy hay kinh á mẹ”, thế là cháu theo lớp mấy tháng qua. Thầy cô ở trường thấy cháu tiến bộ hẳn lên. Thật lòng cám ơn các chị, các cô giáo đã mở lớp học bổ ích này”, chị cảm kích. Người mẹ đơn thân một mình nuôi con nhỏ còn trải lòng, vì muốn con không thua thiệt bạn bè nên trước đây chị gắng cày cuốc để cho con đi học thêm, nếu học cả ba môn thì mỗi tháng cũng gần 1,5 triệu tiền học phí. Có lớp học này, hàng tháng chị tiết kiệm được một khoản không hề nhỏ. Với những gia đình khó khăn hơn, có lớp học này con họ mới biết đến hai chữ “học thêm” là gì.
Chị Phạm Thị Dung (28 tuổi, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) gửi hai con tới lớp, cậy nhờ các cô kèm cặp. Chị có 4 đứa con, chật vật đủ đường nên chuyện học thêm là điều không thể. Nhưng lớp học này không chỉ cho con chị bầu trời kiến thức miễn phí, mà còn cho chị cần câu. Biết chị mưu sinh vất vả, Hội phụ nữ trao tặng chị xe cùng dụng cụ bán bánh mì, cấp cả tiền vốn, tặng thêm xe đạp cho con chị tới trường. Như lời chị nói, “lời cám ơn không đủ vì đã cưu mang cả nhà”. Từ lúc có xe bán bánh mì, chị thôi làm thợ đụng, ban ngày đẩy xe quanh phố, tối đến bán thêm đồ ăn vặt, xoay xở cũng đủ tiền ăn cho cả nhà.
Nhiều bà mẹ khó khăn khác cũng mừng trào nước mắt khi đưa con tới học bỗng “lãi” thêm xe bán nước mía, máy hấp tóc, tiền mặt… để có kế sinh nhai. Chị Hải chia sẻ, hầu hết mẹ của các cháu theo học đều lao động chân tay, làm thợ đụng hoặc buôn bán nhỏ lẻ, rất bấp bênh. Có người không nghề nghiệp, nay đây mai đó. Nếu mẹ bớt gánh nặng áo cơm, thì con mới an tâm tới lớp. “Hoàn cảnh gia đình các cháu giờ đang khó khăn, rối rắm như chính khu xóm chợ này. Nhưng cũng ở ngay đấy, niềm hy vọng được thắp lên từ lớp học. Có kiến thức, có kế sinh nhai, thì hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn”, chị Hải kỳ vọng và khẳng định sẽ cố gắng duy trì lớp học này càng lâu càng tốt, càng nhiều em đến càng mừng...