Thông tin từ Sở VH-TT&DL Long An, riêng đối với các di tích và công trình văn hóa do Bảo tàng - Thư viện tỉnh trực tiếp quản lý: năm 2022 có hơn 14.000 lượt khách tham quan; năm 2023 có hơn 40.000 lượt khách tham quan, năm 2024 có trên 50.000 lượt khách đến tham quan. Qua đó cho thấy các di tích lịch sử- văn hóa góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Phân cấp quản lý
Tính đến thời điểm hiện nay (2024), tỉnh Long An có 127 di tích; trong đó có 21 di tích quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh. Di tích trên địa bàn tỉnh Long An đa dạng về loại hình như: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ…Trong đó, di tích quốc gia có: 5 di tích kiến trúc nghệ thuật, 4 di tích khảo cổ, còn lại 12 di tích là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân, địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử).
Di tích cấp tỉnh có 4 di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 di tích khảo cổ học, còn lại 99 di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân, địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử).
Tính đến tháng 11/2024, tỉnh Long An có 127 di tích lịch sử - văn hóa, (sau đây gọi chung là di tích) và 3 công trình văn hoá, trong đó có 21 di tích quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh.
Thực hiện quyết định số 90/QĐ-UBND, Sở VH- TT và DL đã tiến hành phân cấp 106 di tích và 2 công trình văn hóa về cho UBND cấp huyện quản lý, còn lại 5 di tích và 1 công trình văn hóa do Sở VH, TT và DL trực tiếp quản lý.
Cụ thể là Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh, Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, Khu Lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ (1946-1949) và Khu Tượng đài Long An TDKC-TDĐG.
Đến đầu năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định phân cấp di tích Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về cho UBND huyện Bến Lức quản lý; tháng 11/2020, phân cấp di tích Vàm Nhựt Tảo về cho UBND huyện Tân Trụ quản lý.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 3 di tích quốc gia và 1 công trình văn hóa. Các huyện, thị xã Kiến tường, TP Tân An: quản lý 18 di tích quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh.
Sau khi phân cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.[1] Các địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa là các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An…
Từ năm 2005 đến 2024, theo tổng hợp báo cáo từ các huyện, thị xã và thành phố, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 325 tỉ đồng gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố) và huy động từ nguồn vốn xã hội hóa (trong nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh).
Vượt khó trong câu chuyện kinh phí
Kinh phí ngân sách cấp cho Sở VH, TT và DL chưa đáp ứng nhu cầu nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn hạn chế, nhất là các di tích trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên, trên cơ sở kết hợp nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa, nhiều di tích trọng điểm như: Ngã tư Đức Hòa, Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh, Ngã tư Rạch Kiến, Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (1946-1949), Vàm Nhựt Tảo, Khu Lưu Niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... đã được đầu tư tốt, phát huy giá trị hiệu quả.
Các di tích đều có quy mô lớn (Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh: 24 ha, Khu di tích Ngã tư Đức Hòa: 4,2 ha, Khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (1946 - 1949): 2,9 ha, Khu di tích Vàm Nhựt Tảo: 6 ha, Khu tượng đài Long An TDKC-TDĐG: 6 ha), vì vậy diện tích trồng cây cảnh, thảm cỏ khá lớn. Trong khi đó, kinh phí và nhân lực hiện tại không đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống này.
Công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào các di tích nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia quản lý, khai thác di tích; thu hút các nguồn lực xã hội, phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di tích còn chậm do vướng nhiều quy định của pháp luật vẫn là trăn trở của ngành văn hoá Long An.
Ngoài nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An đến năm 2035. Đây là cơ sở quan trọng để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngày càng hiệu quả hơn.