Theo hai cộng sự của ông Trump, những phát biểu trước đó về việc "giải quyết xung đột Ukraine trong 24 giờ" chỉ đơn thuần là lời nói trong chiến dịch tranh cử và đánh giá không đúng mức về tình hình thực tế.
Những nguồn tin này nhận định, sẽ cần tới vài tháng để xung đột Nga - Ukraine có thể chấm dứt.
Đánh giá trên trùng khớp với phát biểu của đặc phái viên Nga - Ukraine của ông Trump - tướng quân đội đã nghỉ hưu Keith Kellogg. Ông Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước, rằng ông mong đợi sẽ có một "giải pháp" cho cuộc xung đột trong vòng 100 ngày.
Tuy nhiên, ngay cả mốc thời gian mà ông Kellogg đưa ra cũng "quá lạc quan", John Herbst - cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn Atlantic Council ở Washington - cho biết.
Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, ông Trump từng tuyên bố hàng chục lần rằng ông sẽ giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận chỉ trong 24 giờ, thậm chí trước khi ông nhậm chức.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 10, ông Trump bắt đầu điều chỉnh các phát ngôn của mình, nói rằng ông có thể giải quyết cuộc xung đột "rất nhanh chóng". Sau cuộc bầu cử, ông tuyên bố có thể dàn xếp một thỏa thuận hòa bình, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng cho rằng việc chấm dứt xung đột ở Ukraine sẽ khó hơn việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. "Tôi nghĩ, thực ra, tình hình Nga - Ukraine sẽ khó khăn hơn", ông Trump nói khi được hỏi về Dải Gaza trong một cuộc họp báo vào tháng 12.
Nga cũng đã gửi tín hiệu trái chiều về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, hoan nghênh các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Trump, trong khi bác bỏ một số ý tưởng do các cố vấn của ông đưa ra.
Những nội dung chính xác trong kế hoạch hòa bình của ông Trump chưa được tiết lộ. Các cố vấn của ông Trump nhìn chung ủng hộ việc loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ít nhất là trong tương lai gần, và đóng băng các chiến tuyến hiện tại.
Hầu hết các cố vấn cấp cao của ông Trump cũng ủng hộ việc cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, chẳng hạn như thành lập một khu phi quân sự do quân đội châu Âu tuần tra.
Cho đến nay, các nỗ lực chấm dứt xung đột của nhóm trợ lý của ông Trump diễn ra một cách rời rạc. Đặc phái viên Kellogg mới đây đã quyết định hoãn chuyến thăm Kiev. Lý do dẫn đến việc này có thể là mối quan ngại của Mỹ về việc vi phạm Đạo luật Logan, đạo luật hạn chế khả năng đàm phán riêng lẻ của công dân Mỹ với các chính phủ nước ngoài.