Lỗ Tấn và người đàn bà bị ruồng bỏ

TP - Chu An, một cô gái Thiệu Hưng bình thường, người thấp bé gầy guộc, gò má cao, trán dô, chân bó, không những không đẹp mà còn chậm chạp, không hoạt bát như một cô gái trẻ bình thường khác. Tuy Lỗ Tấn không quá trọng sắc đẹp, nhưng nghĩ đến "món quà" mẹ tặng cho ông, mà lạnh tim.
Nhà văn Lỗ Tấn

Có nhiều lý do để Lỗ Tấn không ưa Chu An. Năm 1906, nhận được bức điện "mẹ ốm về ngay", Lỗ Tấn vội vàng từ Nhật trở về quê thì nhìn thấy cảnh treo đèn kết hoa rực rỡ, sau phút ngạc nhiên, Lỗ Tấn hiểu cả.

Ông không phản đối, thậm chí khi người nhà độn cho ông cái đuôi sam giả (vì trước khi du học Nhật Bản, ông đã cắt đuôi sam rồi), ông cũng không tỏ ra có điều gì không vui. Ông biết lúc này, có phản đối thế nào cũng đều vô ích.

Nếu như Chu An đẹp một chút thì Lỗ Tấn có được một chút an ủi. Nhưng sự thật là vô cùng tàn khốc. Khi bạn bè hỏi thăm chuyện cưới xin thế nào, ông tự mỉa mai nói: "Là  mẹ cưới con dâu, chứ không phải là tôi cưới”.

Chu An không những xấu xí mà năm ấy đã 29 tuổi, hơn Lỗ Tấn những 3 tuổi! Đêm tân hôn, Lỗ Tấn ngồi đọc sách cho đến sáng, không hỏi han gì đến vợ. Sau lễ cưới 4 hôm, lấy cớ "không thể bỏ học", ông cùng em trai Chu Tác Nhân trở lại Nhật Bản (1).

Thượng đế cố tình trêu ngươi, khiến người ta phải nghi ngờ. Lỗ Tấn là một chiến sĩ đứng ở hàng đầu chống phong kiến mà lại phải lấy Chu An - một người đàn bà bảo thủ nhất, tầm thường nhất? Ông cũng có lần muốn nói chuyện với vợ, khoe ở Nhật Bản có món bánh ngọt rất ngon, Chu An vội vã đáp, đúng, đúng, em đã được ăn rồi.

Có lẽ do bị đối xử lạnh lùng, thấy Lỗ Tấn nói vậy, Chu An vội lấy lòng "tiên sinh", khiến Lỗ Tấn mất hứng. Loại bánh ngọt ấy, không những cả phủ Thiệu Hưng không có mà cả nước Trung Quốc cũng không có. Chu An làm sao mà biết được. Qua sách báo ư? Cô ta có biết chữ đâu mà đọc!

Sau "Ngũ tứ", không khí bắt đầu đổi mới. Úc Đạt Phu, Quách Mạt Nhược v.v… cũng giống như Lỗ Tấn, là những nhà văn từng phải chịu đau khổ trong hôn nhân phong kiến, nhưng cuối cùng họ cũng thoát ra được, bắt đầu cuộc sống mới. Cũng có người khuyên Lỗ Tấn nên ly hôn. Ông cũng nhiều đêm mất ngủ về chuyện đó, nhưng vẫn khó vượt qua.

Lỗ Tấn tuổi tác lớn hơn Úc Đạt Phu và Quách Mạt Nhược, chịu ảnh hưởng của truyền thống khá sâu, không thể mở lòng thoải mái như Úc Đạt Phu và Quách Mạt Nhược được, có lẽ đó là một nguyên nhân khiến ông do dự. Nhưng lưỡng lự chủ yếu chính là Chu An.

Theo tập tục ở Thiệu Hưng, một người con gái đã xuất giá bị đuổi về nhà mẹ đẻ là coi như hết đời. Không những bị người nhà sỉ mắng là bôi gio trát trấu vào mặt họ mà còn bị xã hội lên án mạnh mẽ, và làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của gia đình họ hàng nữa. Đã từng có cô gái không chịu được nỗi nhục đã nhảy xuống giếng hoặc treo cổ tự tử. Lỗ Tấn người đã viết nhiều bài bênh vực quyền lợi của phụ nữ- hiển nhiên là không muốn đẩy Chu An đến bước đường cùng.

Trong Tùy cảm lục số 40 ông nói về hôn nhân của thế hệ ông như sau: "Nhưng về phía nữ giới, họ vốn là không có tội, mà bây giờ phải hy sinh vì tập quán cũ. Chúng ta đã từng giác ngộ về đạo đức của nhân loại… không thể trách cứ người khác giới, đành phải hy sinh một đời để trả món nợ bốn nghìn năm".

Đó chính là chỗ vĩ đại của Lỗ Tấn. Vĩ đại ở chỗ nào? Vì người khác mà gánh chịu đau khổ tức là vĩ đại. Úc Đạt Phu, Quách Mạt Nhược là những người lãng mạn, tự do, phóng khoáng, sự lựa chọn của họ trong hoàn cảnh ấy cũng không có gì đáng trách, nhưng rõ ràng là không liên quan đến danh từ vĩ đại.

Và “đành phải hy sinh một đời" không chỉ có Lỗ Tấn mà có cả Chu An. Một người con gái như Chu An kết duyên với Lỗ Tấn là một bất hạnh lớn. Nếu như bà lấy một người bình thường như người nông dân vai u thịt bắp chẳng hạn có thể hạnh phúc hơn là lấy Lỗ Tấn.

Vợ chồng nghèo hèn vẫn là vợ chồng, Chu An và Lỗ Tấn không thể gọi là vợ chồng được. Bà từng than thở với người khác: "Mẹ chồng cứ phàn nàn mãi tôi không sinh con, "tiên sinh" Lỗ Tấn có bao giờ nói chuyện với tôi đâu, làm thế nào mà đẻ được?".

 Đàn bà phải nói câu đó cho người ngoài biết, chứng tỏ họ đau khổ biết chừng nào! Công việc hàng ngày của bà là hầu hạ mẹ chồng, đúng là ứng với câu nói của Lỗ Tấn: "là mẹ lấy con dâu".

So với Lỗ Tấn, Chu An bất hạnh hơn nhiều. Lỗ Tấn sống độc thân một thời gian dài, cuối cùng đã tìm được "vầng trăng" của mình - Hứa Quảng Bình. Hứa Quảng Bình trẻ trung kém Lỗ Tấn 18 tuổi, là học trò yêu của Lỗ Tấn ở trường Nữ sư phạm Bắc Kinh. Còn Chu An đúng là "hy sinh cả một đời", sớm tối bên cạnh bà chỉ có mẹ chồng già tuổi đã gần đất xa trời, đêm đêm phòng không lạnh lẽo…

Chu An dường như sống cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng lòng bà không phải như cái giếng khô. Thực ra bà cũng muốn thay đổi quan hệ với Lỗ Tấn, chỉ có điều nhân cách, tư tưởng của Lỗ Tấn cách biệt với bà quá xa nên chưa có cơ hội thực hiện ước nguyện.

Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình rời Bắc Kinh xuống sống chung với nhau ở Thượng Hải và sinh được Hải Anh là một đòn đau đối với Chu An. Cô gái con chủ nhà hỏi bà sau này thế nào, bà buồn bã đáp: "Trước kia tiên sinh đối xử với tôi không tốt, nhưng tôi vẫn muốn chăm chỉ hầu hạ ông ấy, tất cả đều nghe theo ông ấy, sau này chắc sẽ tốt thôi - tôi như con ốc  sên, từ dưới chân tường cứ bò lên từng tý từng tý một, bò rất chậm chạp, sẽ có ngày bò lên được tới đỉnh tường.

Nhưng bây giờ chả còn biết làm thế nào, tôi không còn sức mà bò nữa. Đợi đến khi ông ấy tốt trở lại, cũng vô dụng rồi". Nghe những lời bộc bạch bi thảm này, khiến người ta phải rơi lệ. Một con ốc sên! Chúng ta thương cho số phận của Chu An và ngạc nhiên trước nhận thức chính xác của bà - Mỗi một sinh mệnh đều có sự đốn ngộ đối với thế giới! Có nhà văn nào, kể cả Lỗ Tấn, cũng không nghĩ được ra cái ví von để hình dung cuộc đời của Chu An. Nỗi khổ của Chu An, một mình mình hay, cái ví von kia chỉ có bà mới nghĩ ra được.

Bà không có học thức, nhưng bà biết sâu sắc rằng, mình mãi mãi chỉ là con ốc sên không bao giờ bò được lên đỉnh tường. Cách ví von này thể hiện đúng tính cách của bà. Nếu như ví lễ giáo phong kiến là một cái giếng, thì Lỗ Tấn và Chu An đã bị rơi xuống đáy giếng, cứ bò từng tý một, Lỗ Tấn trải qua trăm cay ngàn đắng cuối cùng đã bò được lên, tuy mình đầy thương tích. Còn Chu An vĩnh viễn không sao bò lên được!

Trộm nghĩ, không biết Chu An muốn kéo dài sinh mệnh là để làm gì? Có ý nghĩa gì không? Thượng đế sao lại an bài cái bi kịch hoang đường khiến bao người phải rơi lệ như vậy?

Có người đưa ra một suy nghĩ rất táo bạo: Hai người đàn bà trong cuộc đời của Lỗ Tấn, Chu An và Hứa Quảng Bình, ai là người có ảnh hưởng lớn hơn đối với Lỗ Tấn? Không phải là Hứa Quảng Bình mà là Chu An. Chính là Chu An, bà đã khiến cho Lỗ Tấn thấm thía sự áp chế của lễ giáo phong kiến đối với con người, kích thích ở ông lòng quyết tâm đoạn tuyệt với truyền thống cổ hủ. Ông chống lại lễ giáo phong kiến một cách quyết liệt và "đấu tranh một cách tuyệt vọng" với số mệnh. Sự ra đời của một vĩ nhân thường là do hoàn cảnh buộc phải làm vậy.

Văn phong lạnh lùng, phẫn khích, châm biếm… của ông có liên quan đến "hôn nhân" đau buồn của ông. Về ý nghĩa này mà nói, Chu An đã tạo ra Lỗ Tấn. Hai sinh mệnh khác nhau như nước với lửa phải buộc lại với nhau, làm dấy lên tư tưởng sâu sắc, tình cảm mãnh liệt, nỗi bất hòa ngày một khuếch đại biến thành câu chữ thâm trầm và ý tưởng cao sâu của Lỗ Tấn. Nếu như Lỗ Tấn vừa trưởng thành đã bị "vầng trăng" - Hứa Quảng Bình làm say đắm, và bước lên "thiên đàng hạnh phúc" một cách thuận lợi thì văn học hiện đại Trung Quốc e rằng phải viết lại.

Đó là giá trị của Chu An. Khi Hứa Quảng Bình đến với Lỗ Tấn, thì tính cách, văn phong của Lỗ Tấn đã thành thục, định hình. Cái mà Quảng Bình nhìn thấy là một kết quả.

Do đấy, có lẽ cách an bài của Thượng đế là đúng chăng! Thượng đế nhìn thấy trong cái tổ hợp hoang đường đáng ghét của ba người, bao chứa sự tất yếu sâu sắc. Chu An, có lẽ là Thượng đế đặc biệt sắp đặt bà bên cạnh Lỗ Tấn. Chỉ như một con ốc sên lặng lẽ bò ở sau vườn đã gắn chặt lấy cuộc đời thâm trầm của Lỗ tấn.

Khi Lỗ Tấn chết, Chu An lập bàn thờ cho ông ở khu vườn cũ Bắc Kinh, và suốt đời "thờ chồng" canh giữ vong linh ông.

Khi Chu An chết, bên cạnh chẳng có một ai. Trong di chúc, Chu An nói: "Muốn đưa linh cữu về phương Nam, táng bên cạnh mộ "tiên sinh".

Ước nguyện đó hiển nhiên không sao thực hiện được. Thi hài bà được táng ở thôn Bảo Phúc phía tây Bắc Kinh, bên cạnh mộ mẹ Lỗ Tấn, để vẫn được "suốt đời" hầu hạ mẹ chồng ở thế giới bên kia.

(1) Chuyện này được nói kỹ ở trong bài "Cuộc đời và tình duyên của Lỗ Tấn qua truyện Thương thệ" đăng trong Cảm nhận mới về văn hóa, văn học Trung Quốc của Lê Huy Tiêu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2004.