Lo ngại ngày càng nhiều công trình 'lấn át' di sản Hồ Gươm

TPO - Đặt ga tàu điện, cho xây khách sạn- trung tâm thương mại cao tầng hay nhất định đá hóa xung quanh Hồ Gươm …, được các chuyên gia quy hoạch, nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều công trình “lấn át” không gian của di sản quốc gia đặc biệt này.
Chuyên gia quy hoạch, lo ngại ngày càng nhiều công trình 'lấn át' di sản Hồ Gươm

Không có thiết kế đô thị nên tuỳ tiện

Trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc TP Hà Nội đang tổ chức trưng bày và  lấy ý kiến đóng góp của người dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2-PV), KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, quy hoạch đặt ga tàu điện ngầm sát Hồ Gươm đã được bàn thảo từ lâu.

Theo KTS Tùng, bản thân một nhà ga tàu điện ngầm không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan khu vực nhưng hoạt động khai thác của nhà ga lại tác động rất lớn đến hoạt động của khu vực di tích này. Vì thế, việc tính toán, lựa chọn phương án tổ chức không gian trong nhà ga và đặc biệt là các lối đi lên xuống thích hợp để không những thuận tiện cho người tới tham quan mà còn không ảnh hưởng di tích là điều quan trọng.

KTS Tùng phân tích, đối với tàu điện ngầm thì quy hoạch khu nhà ga rất quan trọng, bởi khi tàu chỉ chạy dưới lòng đất nhưng nhà ga là nơi tiếp nhận hành khách và nhiều hoạt động khác. “Bản thân nhà ga là công trình kiến trúc, văn hóa rất quan trọng. Ở các nước có tàu điện ngầm, họ bố trí nhà ga rất hợp lý, khách từ nhà ga này có thể tiếp cận ngay với hệ thống giao thông công cộng để đi đến di sản, đi đến các trung tâm thương mại trung tâm. Ở đây nhà ga của mình thì nằm ngay trong lõi của di sản thì phải giải bài toán cho hàng nghìn người đi lên đi xuống từ nhà ga”, ông Tùng phân tích.

Một số chuyên gia cho rằng, phải tính toán kỹ vì đây là khu vực thu hút rất đông người ra vào. Quá trình xây dựng nhà ga cũng phải được làm bằng công nghệ tốt nhất để không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường quanh Hồ Gươm. Hơn nữa khu vực trên nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.

“Đã đến lúc phải phê duyệt phương án đặt ga tàu điện ngầm ở cạnh Hồ Gươm. Nhưng thực tình việc không có thiết kế đô thị, chưa có quy hoạch phân khu này nên rất tuỳ tiện mới có chuyện hôm nay thì cho xây cao ốc, xây khách sạn- trung tâm thương mại ngay cạnh Hồ Gươm. Vì vậy cần phải tham khảo kỹ lưỡng quy hoạch này để tìm mối tương quan với các công trình lân cận và hệ thống giao thông công cộng để những công trình không còn mang tiếng lấn át di sản”, vị chuyên gia nói.

Lo ngày càng nhiều công trình “lấn át” di sản Hồ Gươm

 Theo các chuyên gia quy hoạch, việc xây dựng công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh Hồ Gươm không chỉ tính toán cho hiện tại mà còn phải cho tương lai. Từ lâu, xung quanh khu vực Hồ Gươm đều là các công trình kiến trúc nhỏ. Đặc biệt, hình thức kiến trúc của nó rất dung dị, không nên cầu kỳ, loè lẹt tạo cảm giác áp đặt, lấn át Hồ Gươm. 

"Hồ Gươm không lớn như Hồ Tây (rộng tới hơn 500 ha-PV), nhưng nó danh thắng của Hà Nội, là di sản quốc gia đặc biệt. Trước đây, kiến trúc khu vực này chủ yếu là nhà hai, ba tầng, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ, kể cả trụ sở các cơ quan hành chính rất hài hòa với cảnh quan Hồ Gươm với những kiến trúc nhỏ, giản dị như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Có nhiều chỗ chúng ta có thể xây những tòa tháp chọc trời, nhưng với khu vực quanh Hồ Gươm không thể xây những bức tường thành bao bọc lấy Hồ Gươm, biến hồ như một cái ao”, KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Người dân Thủ đô xem trưng bày và góp ý kiến Quy hoạch ga tàu điện ngầm đặt cạnh Hồ Gươm

Theo KTS Tùng, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, phương án cải tạo kiến trúc khu vực Hồ Gươm để bảo vệ giữ gìn cảnh quan kiến trúc văn hóa di sản hồ, nhưng xem ra kết quả vẫn còn xa vời. Ông Tùng dẫn chứng, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi lớn với tên gọi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn nổi tiếng trong và ngoài nước.

“Cuộc thi có giải, trao giải với nhiều nhóm tác giả đã đưa ra phương án, ý tưởng khá táo bạo, nhưng không có kết luận là tiếp tục để triển khai thực hiện những ý tưởng này hay không? Nhưng theo tôi nói như KTS Nguyễn Tấn Vạn, thì Hồ Gươm và khu vực phụ cận là tài sản không của riêng ai. Vì vậy, đừng ai biến tài sản đó thành của riêng mà hãy góp sức làm đẹp thêm cho cộng đồng”, vị KTS tâm sự.

Có ý kiến KTS cho rằng, nếu chọn phương án đặt ga và các lối lên xuống ở khu vực Hồ Gươm thì tốt nhất đặt ga C9 ở phía khu đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hiện nay. Ngày xưa khu đất này làm nhà máy điện, bây giờ trở thành cơ quan làm hành chính nên sớm muộn những khu đất này cũng bị “thôn tính” thành các khu cao tầng. Hơn nữa, nó phù hợp với chức năng công cộng, khi trong tương lai nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời.