Lo ngại con nhà giàu ít tham gia nghĩa vụ quân sự

TP - Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi “Sao “vẻ vang”, “cao quý” chỉ thuộc về con em nông dân?” khi thảo luận về Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trong phiên họp Quốc hội chiều 21/5.

Theo ông Thuyền, nên có các hình thức thay thế nghĩa vụ quân sự để bảo đảm những người không tham gia cũng phải có trách nhiệm đóng góp với tổ quốc.

Không chấp nhận nộp tiền thay cho thực hiện nghĩa vụ quân sự

Trình bày Báo cáo của Ủy ban (UB) Thường vụ Quốc hội (TVQH) về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An Ninh cho hay, qua thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được coi như hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) để bảo đảm công bằng xã hội.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ như lao động công ích hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thanh niên xung phong công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo từ đủ 36 tháng trở lên; giáo viên cắm bản ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo khó khăn của Tổ quốc được coi như hoàn thành NVQS.

Nêu quan điểm của UB TVQH trước các ý kiến trên, ông Khoa cho hay, NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 nên việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Ngoài ra, nó còn làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS. Tương tự, đối với thanh niên xung phong, giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo từ đủ 24 tháng trở lên, dự thảo Luật NVQS quy định được miễn gọi nhập ngũ là phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay. Vì vậy, UB TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật.

“Sao “vẻ vang”, “cao quý” chỉ thuộc về con em nông dân?”

Không đồng tình với giải trình của UB TVQH, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, quy định “NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân” nếu nói như trước đây thì đúng. Bởi khi đó, con của lãnh đạo, con Bí thư, chủ tịch tỉnh đều tham gia NVQS hết. Nhưng giờ đây thì khác rồi! “Có lẽ “vinh quang” này bây giờ chỉ thuộc về con em nông dân, con của những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Còn con của cán bộ, con nhà giàu không nhận lấy “vinh quang” này”. Ông Thuyền đặt câu hỏi, vì sao đó là nghĩa vụ vinh quang nhưng nhiều người không muốn nhận? Vinh quang thì tại sao giờ đây trong 10 người, chỉ có 3 người đi thực hiện NVQS, còn lại 7 người không đi?

“Ta vẫn nói, nghĩa vụ là phải công bằng. Vậy tôi đề nghị phải có nghĩa vụ đóng góp cho công bằng. Theo đó, nên bổ sung quy định, những trường hợp đặc biệt không tham gia NVQS, thì phải đóng tiền và dùng tiền đó để củng cố, xây dựng biển đảo”, ông Thuyền nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị nên xem xét mở rộng khái niệm NVQS để mọi người thực hiện nghĩa vụ với tổ quốc. Theo đó, những công nhân được trưng dụng tham gia vào các công trình quân sự, quốc phòng cũng có thể được coi là tham gia NVQS.

Đại biểu Đặng thị Kim Chi (Đoàn Phú Yên) đề nghị cần quy định cụ thể công dân được tạm hoãn do học hệ chính quy các trường đại học, sau khi tốt nghiệp gọi nhập ngũ ngay. Bởi nếu họ đã đi làm rồi mà gọi thì sẽ gây khó khăn trong công việc cho họ.