Lính thợ hải quân

TP - Trước những tác động của khí hậu, môi trường biển và cường độ làm việc cao, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác đo đạc và nghiên cứu biển xuống cấp nhanh chóng. Những người lính thợ ở Đoàn đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển Hải quân (Đoàn 6 Hải quân) đã phát huy tài trí “cứu chữa” nhiều thiết bị đặc chủng.
Cán bộ, nhân viên Tổ sửa chữa Đoàn 6 Hải quân đang sửa chữa máy đo vận tốc âm SVP - một trong những thiết bị của hệ thống đo sâu. Ảnh: CTV.

Giữ tốt, dùng bền

Một ngày đầu năm 2018, tàu 884 (loại tàu Nhật Lệ thực hiện nhiệm vụ đo đạc ngoại nghiệp như đo từ trường, đo địa lý quân sự) của Đoàn 6 hoàn thành nhiệm vụ trên biển trở về cập bến. Trung tá Nguyễn Đình Hải, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật đơn vị kiêm Tổ trưởng Tổ sửa chữa liền cử thiếu tá, thạc sỹ Trần Công Thành, Phó Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật và trung úy, kỹ sư Đặng Văn Chức, nhân viên Phòng Kỹ thuật xuống kiểm tra tình trạng kỹ thuật trên tàu nhằm khắc phục kịp thời những hỏng hóc, bảo đảm kỹ thuật cho chuyến đi biển tiếp theo.

Sau khi kiểm tra và nghe trưởng ngành khai thác tàu 884 nói về sự cố hỏng hóc của máy đo sâu đa tia Seabeam 1180 - một thiết bị đo sâu chủ lực của tàu, tổ sửa chữa bắt tay vào nghiên cứu, tìm cách khắc phục. Do chiếc máy này chỉ có tài liệu khai thác sử dụng, hầu như không có thuyết minh kỹ thuật, vì vậy, các anh phải mày mò nghiên cứu từ đầu. Trên cơ sở kiến thức tích lũy và qua tìm hiểu thực tế, thiếu tá Trần Công Thành đã khoanh vùng và tìm ra nguyên nhân, khắc phục sửa chữa máy thành công, đồng thời cũng giúp trưởng ngành của tàu nắm rõ hơn về trang thiết bị (TTB).

Không chỉ phát hiện và sửa chữa thành công các TTB hỏng sau quá trình hoạt động trên biển, tổ sửa chữa còn nghiên cứu, sửa chữa thành công những TTB đã bị hỏng hóc từ lâu. Điển hình là máy đo sâu đa tia cho xuồng Sonic 2022, thiết bị hỏng hóc từ 2016, đã được Công ty Hà Quang - đơn vị nhập khẩu gửi về nhà sản xuất kiểm tra sửa chữa, nhưng họ lại gửi trả về với kết luận: “Máy đã hỏng, phải thay máy mới”.

Giá thành chiếc máy mới lên đến hàng tỷ đồng nên các thành viên trong tổ quyết tâm sửa chữa. Trong quá trình sửa chữa các khí tài khác, họ cùng tìm hiểu tài liệu và “bung” máy để khảo sát nghiên cứu từng khối và phối hợp phân tích. Sau 2 tháng vật lộn với chiếc máy, thành quả là máy đã phát và thu được tín hiệu, bước tiếp theo là chế lại cáp tín hiệu cho máy (vì cáp cũ đã hỏng, nhà máy không gửi về). Việc chế lại thành công khi cáp bảo đảm độ kín nước, bảo đảm chống nhiễu và làm việc được trong môi trường nước biển. Máy được thử nghiệm thành công và đưa vào hoạt động trở lại trong niềm vui của mọi người.

Thiếu tá Trần Công Thành cho biết: “Qua việc nghiên cứu sửa chữa các TTB ngành, chúng tôi nắm rõ hơn nguyên tắc, cấu trúc, nguyên lý của các TTB. Đây là cơ sở cho công tác bảo đảm kỹ thuật lâu dài, đồng thời huấn luyện và lưu ý cho các cán bộ, chiến sĩ khai thác máy một cách hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, có nhiều TTB đơn vị đã gửi đến các địa chỉ sửa chữa từ những năm trước, tổ sửa chữa của Đoàn đã thu hồi về để sửa chữa và cũng đã được biên chế trở lại làm việc”.

Làm lợi nhiều mặt

Hệ thống máy đo sâu của Đoàn 6 Hải quân là thiết bị đặc biệt được nhập khẩu từ nước ngoài, có tính độc quyền nên giá thành rất cao, linh kiện thay thế rất hiếm, tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu cao. Việc khôi phục được các máy làm việc trở lại bình thường đã làm lợi về kinh tế cho Đoàn 6 khá lớn.

Mỗi bộ nguồn của máy nhập về có thể lên đến 200 triệu đồng, mỗi cáp tín hiệu kết nối có giá nhập rẻ cũng lên đến 500 triệu, những card kết nối trong các máy có giá thành không dưới 500 triệu. Nguyên lý máy rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian cho nghiên cứu. Trên cơ sở kiến thức nền được trang bị, tổ sửa chữa đơn vị đã nghiên cứu và sửa chữa thành công các thiết bị cho Đoàn 6, đồng thời nắm chắc, hiểu rõ hơn về thiết bị, bảo đảm được kỹ thuật lâu dài cho thiết bị làm việc.

Ngoài sửa chữa thành công các TTB trên, tổ sửa chữa của Đoàn 6 còn nghiên cứu, sửa chữa thành công máy đo sâu đa tia nước sâu MD30; máy đo sâu đa tia nước sâu MD2; nguồn hải đồ điện tử 24v; hệ thống cáp kéo thiết bị; thiết bị Hải dương SVP, ECM, CTD+; các lưu nguồn Santak 1kva, 6kva; 14 bộ màn hình máy tính và bộ khí tài hàng hải, thông tin, cũng như thiết bị ngành cơ điện….

 “Hoạt động của tổ sửa chữa thiết bị, khí tài ngành đo đạc không chỉ làm lợi cho Đoàn gần 2 tỷ đồng mà còn giúp đơn vị duy trì, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đo đạc năm 2018 đúng với kế hoạch đề ra”, đại tá Nguyễn Văn Hùng, Đoàn trưởng Đoàn 6 Hải quân khẳng định.

Theo trung tá Phan Thành Long, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 6 Hải quân, đơn vị có nhiệm vụ khảo sát đo đạc, nghiên cứu biển, các cảng, các khu vực, thăm dò khai thác tài nguyên biển, đo đạc địa lý quân sự trên biển, ven biển; thăm dò nghiên cứu tài nguyên môi trường biển để phục vụ phát triển kinh tế đất nước…Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, tháng 10/2017, Đoàn 6 Hải quân thành lập Tổ sửa chữa thiết bị, khí tài ngành đo đạc. Đến nay, tổ sửa chữa của đơn vị đã nghiên cứu, sửa chữa được nhiều TTB ngành, trong đó có những TTB phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.