Liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19

TP - Phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 lần sửa đổi thứ 4 vừa công bố có nhiều điểm mới, trong đó có việc lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương người bệnh đã khỏi để điều trị.
Bệnh nhân 196 (đã khỏi COVID-19) đang hiến huyết tương

5 người hiến huyết tương

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư bắt đầu lựa chọn bệnh nhân hiến huyết tương để điều trị những ca mắc COVID-19. Đây là hoạt động nằm trong chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.

Đề tài nghiên cứu do TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư...

TS. Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), điều phối chính của nghiên cứu, cho biết: “Bệnh viện đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương từ ngày 3/8/2020. Sau hai ngày đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của bệnh viện từng mắc COVID-19 và đã được chữa khỏi. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm, sàng lọc kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương. Đây là việc làm rất ý nghĩa, vì một người mắc COVID-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất một bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng khác, trao cho họ cơ hội được chữa khỏi bệnh”.

Người hiến sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch. Người nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 tuổi từ 18-75 được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng… Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này sẽ được triển khai tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Đà Nẵng và một số bệnh viện khác do Bộ Y tế giao nhiệm vụ.

Nhiều hy vọng

Truyền huyết tương - dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra - có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Hiện nay, việc lấy huyết tương người khỏi để điều trị COVID-19 cũng đang được thực hiện tại một số nước châu Âu và Trung Quốc.

Về nguyên lý của phương pháp mới này, chuyên gia lý giải, đó chính là việc sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Người bệnh tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn. “Huyết tương của người khỏi COVID-19 chứa lượng lớn kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm ở một số nước và bước đầu cho thấy có thể có hiệu quả đối với những người mắc bệnh thể nặng”, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho biết.    

Người bệnh đã khỏi COVID-19 có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 của bệnh viện để được tư vấn, giải đáp.