Liên kết vươn khơi làm ăn lớn

TP - Giá dầu tăng khiến ngư dân gặp khó khăn nhưng ở khía cạnh khác lại có tác động tích cực, thúc đẩy họ nhanh chóng vượt qua lối đánh bắt nhỏ lẻ, đi tới liên kết làm ăn lớn.

Làm dịch vụ ngay trên biển

Ở vùng biển phía tây Cà Mau, Kiên Giang đã xuất hiện hàng trăm tàu trọng tải lớn cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu và mua hải sản ngay trên biển. Ngư dân gọi là tàu rỗi. Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: “Riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 159 tàu rỗi làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển”.

Thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có đội tàu mạnh nhất tỉnh Cà Mau với 1.188 chiếc. Hiện ngư dân Sông Đốc vẫn bám biển, trúng mùa tôm cá. Ông Đặng Thành có tàu khai thác biển, lại có cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Sông Đốc, nói: “Bây giờ, bà con ngư dân hợp đồng, liên kết với nhau chặt chẽ lắm. Tàu nào khai thác thì cứ bám biển khai thác, tàu nào làm hậu cần thì ra vô để làm hậu cần”.

Ngư dân Nguyễn Hoàng Thiên ở Sông Đốc, cho biết: “Thông thường, vài đoàn tàu hùn tiền thuê một chiếc vận chuyển tôm cá vào đất liền, rồi chở hàng hóa cần thiết quay ra biển. Làm như vậy, đỡ chi phí nhiều lắm so với kiểu mạnh ai nấy làm”.

Tại thị trấn cửa biển Sông Đốc, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - hải sản còn đầu tư đóng 40 tàu, trọng tải mỗi chiếc 100 tấn, trang bị máy mạnh để làm tàu rỗi. Đó là các doanh nghiệp Quốc Hùng, Quang Bình, Bích Khải, Quốc Đạt, Quốc Nam. Ở tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, các doanh nghiệp kinh doanh hải sản cũng có đội tàu rỗi hợp thành chợ trên biển Tây Nam.

Ông Lê Huy Kiệt, chủ DNTN Quốc Đạt, tâm sự: “Bà con nương tựa vào nhau để bám biển, để sống. Rất tiếc, giao thông từ cửa biển Sông Đốc đến TP Cà Mau còn xấu, chưa thông thoáng nên giá cả sản phẩm của bà con chưa được nâng cao đúng giá trị. Tôi đang tìm đất sạch tại khu công nghiệp Sông Đốc để xây dựng nhà máy đông lạnh hải sản. Nếu không, tôi sẽ mua 2 chiếc tàu đông lạnh để mua tôm cá trên biển”.

Bám biển

Bà Trần Thị Dung, chủ đoàn tàu 20 chiếc ở cửa biển Sông Đốc, tâm đắc: “Trên biển, tàu mua tôm cá đông, dễ chịu lắm. Ai bán tôm cá cho tàu lạ thì lấy tiền mặt. Ai bán cho tàu quen thì vô đất liền lấy tiền, không sao hết. Mỗi tháng, vợ chồng ông Năm Thuận (Kiên Giang) gửi về ngân hàng, tôi trả giùm tiền mua tôm cá của bà con Sông Đốc vài chục tỷ. Bởi vì ổng mua tôm cá trên biển của ngư dân Sông Đốc, chuyển tiền vào ngân hàng nhờ tôi lãnh trả giùm”.

Ông Phạm Biên Giới, ngư dân ở Sông Đốc có 4 chiếc tàu khai thác xa bờ, nói: “Tàu cào khơi xa đất liền 200-300 hải lý, nếu chạy vô bờ bán sản phẩm thì lỗ đứt chi phí xăng dầu, mất khoảng 20 triệu đồng. Có tàu rỗi là lợi lắm”. Ông Trần Văn Yên, ngư dân ở phường An Hòa (TP Rạch Giá, Kiên Giang), nói: “Khai thác biển có chuyến lỗ chuyến lời, nhưng lợi nhuận vẫn có. Tàu ra giữa biển khơi, biết chắc nơi có nhiều hải sản thì mới buông lưới”.

Ông Trần Hon, Phó Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang), chủ nhân của bốn cặp cào đôi có công suất mỗi chiếc 400CV, nói: “Hồi đầu năm tới giờ, có hai cặp tàu làm ăn có lời, một cặp huề vốn và một cặp thua lỗ khoảng 100 triệu đồng. Cả bốn cặp tàu ra biển đang neo đậu ở quần đảo Thổ Chu, chờ luồng cá. Chi phí bây giờ phải tính đến cả từng giác cào. Mỗi lần cào tiêu tốn 10 triệu đồng, nhưng giá trị hải sản kéo lên chỉ được năm bảy triệu là phải tắt máy neo đậu ngay”.

Tỉnh Kiên Giang có đoàn tàu khai thác biển 11.994 chiếc, với tổng công suất 1.469.216 CV, trong đó có 3.688 tàu công suất mỗi chiếc trên 90 CV chuyên đánh bắt xa bờ. Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN& PTNT tỉnh Kiên Giang, nói: “Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các chủ tàu thành lập nhóm, tổ, đội để hỗ trợ nhau trong sản xuất, trao đổi thông tin, cung ứng nguyên liệu, mua bán vận chuyển sản phẩm khai thác”.

Theo Báo giấy