Leo 80 tầng cầu thang bộ giảm cân có hại xương khớp?

Tôi bị thừa 5kg so với khuyến cáo. Tôi tập erobic, yoga, đi bộ… đủ kiểu nhưng cân nặng xuống rất chậm, chưa muốn nói là đứng yên. Gần 1 tuần trở lại đây tôi tìm hiểu trên mạng thấy mọi người chia sẻ leo cầu thang bộ giảm mỡ bụng rất nhanh. Tôi tập leo cầu thang đến hôm nay là ngày thứ 5, leo được 80 tầng nhà trong một lần tập.

Tôi tập tăng dần cường độ, ngày đầu leo 20 tầng, ngày 2 leo 30 tầng, ngày 3 tôi leo 50 tầng và đỉnh điểm ngày 5 tôi leo được 80 tầng, bắp chân đau cứng. Ngoài ra, tôi nhận thấy đầu gối khớp trái có cảm giác gợn, cảm như hơi đau khi bước nhiều. Xin hỏi, có phải do tôi leo cầu thang nhiều khiến ảnh hưởng đến khớp?

Kiều Thu Hằng (Ô Chợ Dừa, Hà Nội)

TS.BS Trần Thị Tô Châu, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) trả lời:

Các bài tập thể dục, đi bộ, leo cầu thang cơ bản là tốt với nhiều người. Tuy nhiên, tùy theo từng lứa tuổi có thể lựa chọn phương pháp tập luyện cho phù hợp.

Như trường hợp bạn hỏi, tôi cho rằng leo cầu thang với những người trẻ là phù hợp, nhưng với người trung niên, leo cầu thang, đặc biệt khi xuống cầu thang, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn vào khớp ở chi dưới, tạo áp lực rất lớn cho khớp, sẽ ảnh hưởng tới khớp.

Trong khi từ tuổi 38 - 40 trở đi khớp bắt đầu thoái hóa, vì thế việc tập luyện các hoạt động bắt khớp phải chịu tải nhiều, như chạy bộ, leo cầu thang, leo núi... nhiều có thể ảnh hưởng không tốt tới khớp gối.

Vì thế, khi tập luyện bất cứ môn thể thao nào, bạn cần nghe phản ứng của cơ thể, trong trường hợp này là với khớp. Nếu hoạt động này gây ảnh hưởng cho khớp, phản ứng đầu tiên của cơ thể là đau. Khác với đau do bệnh lý khớp viêm rất rõ kèm theo sưng, nóng đỏ, đau mang tính chất cơ học, loãng xương… là quá trình thoái hóa của cơ thể nên biểu hiện ban đầu không phải sưng nóng đỏ. Phản ứng đau này tăng lên khi vận động nhiều, giảm bớt khi nghỉ ngơi.

Lúc này nếu tiếp tục leo cầu thang, chạy bộ nhiều làm khớp đau nhiều hơn sẽ cần phải điều trị, trong trường hợp có sưng, nóng thì cần điều trị tích cực hơn nữa.

Vì thế, bạn hãy thử thay đổi vận động để xem phản ứng của cơ thể như thế nào, có còn cảm giác đau khớp hay không. Bởi nếu chỉ đau cơ học chỉ cần thay đổi lối sống, thay đổi sinh hoạt để giảm triệu chứng.

Bạn cũng không nên quá nôn nóng trong việc giảm cân bởi giảm cân cần cả quá trình để đốt mỡ thừa của cơ thể, theo nguyên tắc năng lượng nạp vào nhỏ hơn năng lượng tiêu hao và không thể ngày một ngày hai có thể tống bay mỡ thừa.

Hơn nữa, khi tập luyện bất cứ môn thể dục thể thao nào, từ đi bộ, leo cầu thang... cần phải tập luyện đúng phương pháp, khởi động kỹ để không gây nguy hại cho khớp gối.

Nếu lựa chọn môn thể dục đi bộ, cần căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mình để xem nên đi bộ bao nhiêu một ngày là đủ. Những người già 60 - 70 tuổi, chỉ nên đi bộ từ 30 - 45 phút/ngày là đủ. Còn những người trẻ hơn, có thể đi bộ trong khoảng thời gian nhiều hơn, nhưng cũng không nên lạm dụng môn thể thao đi bộ. Cần lựa chọn giày chuyên dụng khi đi bộ, chạy.

Trước khi đi bộ hay luyện tập bất cứ môn thể thao nào, đừng nôn nóng tập luôn mà cần có 5 – 10 phút khởi động để làm nóng các khớp trước khi tập luyện. Với người lớn tuổi, đạp xe, bơi lội sẽ tốt hơn thể dục do khớp không phải gánh sức nặng của toàn bộ cơ thể.

Bên cạnh đó, khi tập bộ môn thể dục, thể thao cần tập có bài bản, phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, được hướng dẫn đúng kỹ thuật để tránh những tác động xấu cho khớp.

Nếu bạn thích leo cầu thang, cũng hãy khởi động kỹ, và chỉ nên leo lên bằng đường bộ, khi xuống dùng thang máy để giảm ảnh hưởng tới khớp gối. Nhưng trong thời điểm này nếu bạn thấy gợn, cảm giác đau, hãy thử lựa chọn môn thể thao khác, như bơi lội, đạp xe... để xem cảm giác này có đỡ hay không.

Theo Theo Dân trí