CNN cho biết, lệnh cấm áp dụng cho tất cả các loại hình lưu trú du lịch ngắn hạn như Airbnb hoặc Booking từ ngày 18/11, nhưng đến hiện tại mới được công bố rộng rãi.
Theo lệnh cấm, tất cả khách du lịch phải đăng ký lưu trú trực tiếp tại đồn cảnh sát địa phương, trong khi trước đó việc này chỉ cần check-in online.
Cùng với lệnh cấm thì cảnh sát sẽ tháo bỏ những ổ khóa, hộp đựng chìa khóa được bảo vệ bằng mã số và bàn phím tại các nhà nghỉ, khách sạn có dịch vụ cho tự nhận phòng.
Lệnh cấm được ban hành khi tình trạng cho thuê nhà ngắn hạn đang gia tăng trên khắp nước Ý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với chính trị, văn hóa và tôn giáo. Nhất là trong bối cảnh thành phố Rome chuẩn bị tổ chức Đại lễ năm thánh Vatican 2025, ước tính giúp đất nước hình “chiếc ủng” đạt 30-35 triệu lượt khách trong năm 2025. Ngoài ra, Ý cũng đang rục rịch công tác đăng cai Thế vận hội mùa đông tại Cortina vào năm 2026.
Thị trưởng Rome - Roberto Gualtieri - cho biết ông hoan nghênh lệnh cấm và nhận định thêm rằng, các ổ khóa và hộp đựng chìa khóa cho du khách tự nhận phòng đã làm méo mó hình ảnh thành phố du lịch trong mắt bạn bè quốc tế.
“Lệnh cấm này đảm bảo việc ngăn ngừa tình trạng cho thuê phòng khách sạn vô tội vạ, kiểm soát được lượng du khách và ngăn chặn ban đầu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, ông Gualtieri nói với CNN.
Bộ trưởng Du lịch Ý - Daniela Santanché - gọi lệnh cấm này là một bước thiết yếu để ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và tích cực.
Trước Rome, thành phố Florence ở Tuscany của Ý cũng ban hành lệnh cấm các hộp đựng chìa khóa, để ngăn chặn việc quá tải du lịch.
Trên thực tế, không chỉ Ý mà nhiều điểm du lịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng gặp khó trong quản lý hình thức cho thuê chỗ ở ngắn hạn cho khách du lịch như Airbnb.
Trước đó trao đổi với PV Tiền Phong, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, phương thức hoạt động của Airbnb được thực hiện chủ yếu thông qua cho thuê căn hộ ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1 - 2 tuần...), phục vụ khách vãng lai, nhất là khách du lịch vì thường có nhu cầu thuê ngắn hạn.
HoREA đánh giá, mặc dù dịch vụ của Airbnb sôi động, nhưng đến nay vẫn chưa có khung pháp luật cụ thể để quản lý mô hình kinh tế chia sẻ này, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo AP, hiện nay một số thành phố du lịch như Barcelona (Tây Ban Nha) hay New York (Mỹ) đang hướng đến xóa sổ Airbnb, trong khi Berlin (Đức) quy định chủ nhà chỉ được phép kinh doanh căn hộ ngắn hạn tối đa 90 ngày trong một năm.
Phản hồi với CNN, đại diện của Airbnb cho biết họ coi trọng vấn đề an ninh và ủng hộ những nỗ lực chính thức nhằm trấn áp các hộp chìa khóa bất hợp pháp ở nơi công cộng. Tuy nhiên, Airbnb bảo vệ quan điểm về việc tự nhận phòng là một lựa chọn thuận tiện, linh hoạt cho cả chủ nhà và khách du lịch.
Nhiều chuyên gia du lịch cảnh báo, việc loại bỏ căn hộ cho thuê ngắn hạn ra khỏi thị trường du lịch sẽ thu hẹp lựa chọn lưu trú của du khách. Việc này khiến các khách sạn lớn có thể “đục nước béo cò” để đẩy mức giá thuê phòng lên cao hơn.