Lên núi thuần dưỡng kỳ nhông

TP - Tốt nghiệp loại ưu khoa Sinh - ĐHSP Huế, Phạm Thị Thu Hường lại khăn gói,  lên với đồng bào dân tộc ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) để nuôi... kỳ nhông, vừa để nghiên cứu khoa học, vừa giúp xoá đói giảm nghèo cho bà con.

Kỳ nhông, mà nhiều nơi còn gọi là “rồng đất”, là loại động vật quý hiếm, theo tài liệu sinh vật học, chỉ còn tồn tại ở một số nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Ở vùng miền núi Nam Đông này, đồng bào dân tộc thường vào rừng bắt kỳ nhông đưa về bán. Giá một con kỳ nhông lên đến hàng trăm nghìn, vì thịt của nó được xem là đặc sản.

Luôn trăn trở với sự nghèo khó của đồng bào, Hường thấy việc làm ấy đưa lại thu nhập cao, nhưng một ngày không xa kỳ nhông sẽ bị tuyệt chủng. Cuối cùng, cô nảy ra ý tưởng  thuần hóa và nhân giống kỳ nhông.

“Được tin mình nghiên cứu và nuôi thử nghiệm kỳ nhông, nhiều người cười vì cho đó là việc làm gàn dở. Từ xưa đến nay, chưa ai nghĩ đến việc nuôi loài động vật này vì công việc thuần hóa kỳ nhông cực khó” - Hường kể. Với kiến thức khá sâu về sinh vật học, Hường bắt đầu tìm hiểu các tài liệu, sách báo về đặc điểm của loài kỳ nhông. Từ đó, mô hình nuôi kỳ nhông của Hường đã ra đời.

Để có kỳ nhông nuôi thử nghiệm, Hường đã phải lặn lội tận rừng sâu bắt loài vật này.Việc bắt kỳ nhông chỉ có thể thực hiện vào ban đêm, vì ban đêm loài vật này mới ra suối ngủ. Thế là hằng đêm  “thân gái dặm trường” với nhiều nguy hiểm rình rập, Hường đi bộ hàng chục cây số đường rừng để bắt kỳ nhông. “Bây giờ do người ta bắt nhiều nên kỳ nhông ngày càng hiếm. Nhiều lần mình đi thâu đêm mà không bắt được con nào” - Hường nói.

“Mình làm vì đồng bào”

Nhìn cô gái với thân hình mảnh mai quê gốc thị xã Quảng Trị, chắc khó ai tin rằng cô có ý tưởng lạ và dũng cảm hằng đêm vào rừng tìm kỳ nhông như vậy. Không chỉ gian nan trong việc bắt kỳ nhông mà công việc tìm kiếm tài liệu về kỳ nhông cũng không kém phần vất vả.

Một phần vì những tài liệu này hiếm, hơn nữa, Nam Đông là vùng núi cách trở, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nên thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên không đủ để Hường mua tài liệu nghiên cứu.

Nhưng bằng nghị lực và tấm lòng vì đồng bào nghèo, Hường đã vượt qua khó khăn. Sự cố gắng của cô đã được đền đáp. Từ 15 con lúc ban đầu, cho đến nay, số  kỳ nhông mà Hường nuôi đã 6 lần sinh nở, bình quân mỗi con một lần sinh được 9-15 con kỳ nhông nhỏ.

“Bước đầu thực hiện thành công mô hình nuôi kỳ nhông mình vui lắm. Thế là đồng bào đã có một mô hình chăn nuôi mới đưa lại thu nhập cao và ổn định hơn” - Hường vui vẻ nói.

Hường cũng cho biết, cho đến thời điểm này đã có nhiều người dân đến học tập mô hình chăn nuôi này và cô đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. “Nuôi kỳ nhông không dễ, nó không chỉ đòi hỏi chi phí mà còn phải am hiểu. Thời gian tới, mình sẽ truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức nuôi kỳ nhông cho các hộ gia đình, làm sao để mở rộng nhanh chóng mô hình” - Hường cho biết.

Hiện nay, Hường đang theo học cao học Sinh học tại trường Đại học Sư phạm Huế. Mô hình nuôi kỳ nhông là một phần trong luận án cao học của cô. Thường thì một công trình khoa học chưa bảo vệ người ta sẽ không công bố hay nhân rộng trên thực tế, bởi như thế sẽ mất giá trị. Nhưng đối với Hường lại khác.

“Đã có nhiều người, đặc biệt là thầy giáo của mình khuyên không nên nhân rộng trước khi bảo vệ luận văn cao học. Nhưng mình nghĩ, luận văn cũng để phục vụ cho đời sống. Hơn nữa, mình học cao học cũng là để có thêm kiến thức để giúp đỡ dân nghèo”.

Hường cho biết, sắp tới cô sẽ viết một tài liệu về kỹ thuật nuôi kỳ nhông để giúp đồng bào dân tộc.