Lên mạng mua sắm

TP - Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Hà Thu (nhân viên văn phòng, quận 1, TPHCM) lướt mạng tìm đặc sản ăn Tết và làm quà biếu tặng. “Từ lúc có dịch bệnh COVID-19, tôi đã quen mua sắm Tết online (trực tuyến) như vậy, rất nhanh chóng và tiện lợi. Để mua hàng online chất lượng, mình vào các trang bán hàng uy tín, những mối quen; nhận hàng rồi mới giao tiền nên tránh được những rủi ro về chất lượng sản phẩm” - chị Thu nói.
Người dân TPHCM sắm Tết sớm ở hội chợ ngày 17/11. Ảnh: H.C

Hơn 4 năm qua, chị Trần Gia Minh Châu, chủ cơ sở Xứ Phan (Ninh Thuận) chuyên kinh doanh nước mắm, rượu nho, mứt rong sụn… đều đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử bán Tết. “Xu hướng sắm Tết trên mạng ngày càng tăng nên chúng tôi bán hàng ở kênh online rất nhiều, trung bình số lượng bán ra tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Để giữ khách mua sắm online, ngoài chú trọng chất lượng, giá cả, chúng tôi còn phải đầu tư khâu bao bì, đóng gói và giao hàng nhanh, uy tín. Một điều nữa khi mua sắm online là giá cả thường rẻ hơn bên ngoài, chưa kể nhiều mặt hàng độc lạ chỉ có trên kênh thương mại điện tử” - chị Châu cho biết.

Cũng theo chị Châu, từ khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thương hiệu Xứ Phan được khách hàng biết nhiều hơn; người kinh doanh cũng tiết kiệm nhiều chi phí về thuê mặt bằng, nhân viên. Dự báo sức mua hàng Tết năm nay, chị Châu cho biết có thể do ảnh hưởng lạm phát, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Tuy nhiên chị Châu cũng kỳ vọng gần Tết, sức mua có thể tăng cao, bởi tâm lý người Việt vẫn muốn mua sắm đầy đủ trong năm mới, với mong muốn một năm đủ đầy, hanh thông.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cũng có nhiều năm tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhìn nhận, phương thức này giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng nhanh hơn. “Chúng tôi đang đưa các dòng cà phê trái cây nông sản làm thành quà tặng sang trọng trong dịp Tết lên sàn thương mại điện tử. Giá bán sẽ giảm sâu hơn so với bán trực tiếp. Đã đưa sản phẩm lên sàn thì ngoài chất lượng, giá cả cũng là tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn. Do vậy phải có các chương trình khuyến mãi, đặc biệt trong dịp lễ Tết” - ông Luận chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam khẳng định, xu hướng sắm quà Tết trên các sàn đang tăng lên. Năm nay, người dân tiết giảm chi phí, tập trung mua những mặt hàng cực kỳ thiết yếu. Do đó, các doanh nghiệp bán hàng nên đi vào những giá trị của sản phẩm vừa phải, không quá xa xỉ, hoành tráng. “Nhiều sản phẩm hiện nay mang đặc trưng ở mỗi địa phương nên phát triển thành quà Tết, như quà quê nhà, sản phẩm mang tính chất vùng miền... Làm sao chuyển quà Tết xa xỉ thành mặt hàng thiết yếu mang yếu tố tình cảm, để chúng ta cùng nhau tận hưởng hương vị Tết.” - ông Dũng nói.