Chiều nay 6/5, sau hai ngày không liên lạc được với đất liền do ảnh hưởng cơn bão số 1, con tàu chở đoàn đại biểu thanh niên cả nước thực hiện hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương", thăm 11 đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã về cập cảng ở TP Vũng Tàu an toàn.
Trước đó ngày 4/5, theo kế hoạch, điểm tiếp theo của hải trình là đoàn đảo An Bang, đảo cuối cùng của hải trình. Đêm trước đó dù đã neo cách đảo này hơn 2 hải lý nhưng do biển động mạnh đã không thể cập đảo theo kế hoạch. Trong đêm đó, gió cấp 6, giật cấp 7 kéo theo từng đợt sóng cao khiến tàu không neo được phải chạy vòng quanh đảo. Buộc lòng đoàn không thể vào thăm cán bộ chiến sĩ đảo An Bang.
Để tránh vào tâm bão, tàu chuyển hướng về thềm lục địa vào vùng biển Tư Chính, nơi các nhà giàn DK đang đóng. Sáng sớm ngày 5/5, tàu dừng giữa trung tâm ba nhà giàn ở Phúc Tần.
Mọi người trên tàu được đánh thức sớm để chuẩn bị dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên tàu. Hoa tươi cùng các vật tưởng niệm theo truyền thống của người đi biển được thủy thủ đoàn chuẩn bị chu đáo. Sóng cấp 6, con tàu tròng trành, các đại biểu phải vai kề vai nhau, đứng trụ vững trên sàn tàu để làm lễ tưởng niệm.
Đại tá Đinh Gia Thật – Phó Chủ nhiệm quân chủng Hải quân (QCHQ), Trưởng đoàn công tác, đọc diễn văn tưởng niệm hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại thềm lục địa phía nam. Giọng ông bỗng trầm xuống, xúc động khi nhắc đến những tấm gương liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại tại vùng biển này khi đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước...
Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong QCHQ, mà trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 171 là con em của các tỉnh, thành phố đã phải hy sinh trên vùng biển này vì thiên nhiên quá hung dữ, khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ và chìm một số nhà giàn vào những năm 1990, 1996, 1999 và năm 2000.
Từ trong gian khổ, thử thách, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn, các tàu trực đã tỏ rõ tình yêu biển đảo sâu sắc, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân. Đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu về lòng dũng cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, trong sáng, thuỷ chung, làm sáng đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.
“Còn biết bao tấm gương cao đẹp của các đồng chí mà hôm nay chúng tôi chưa nói hết, kể hết được. Sự hy sinh của các đồng chí trên vùng biển thềm lục địa phía nam trở thành biểu tượng cao đẹp, càng làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Hải quân. Trở thành giá trị tinh thần quí giá, động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy trong điều kiện mới….
Hôm nay, Đoàn công tác “Hành trình tuổi vì biển đảo quê hương” về tới vùng biển - nơi các đồng chí đã anh dũng hy sinh. Trong niềm xúc động sâu sắc, theo tập quán của những người đi biển, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới hương hồn các liệt sĩ và vô cùng bùi ngùi xúc động trước khí phách hiên ngang, sự hy sinh dũng cảm không tiếc thân mình vì tính mạng đồng đội, vì biển đảo quê hương, chúng tôi cầu mong hương hồn các liệt sĩ hãy yên nghỉ ngàn thu, cùng chúng tôi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc” – Đại tá Thật kết thúc bài diễn văn của mình như thế.
Thượng tá Nguyễn Phương Thùy – Trưởng ban Phụ nữ QCHQ đã òa khóc khi thắp nén hương. Những đại biểu thanh niên cũng đã không kìm được nước mắt...
Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Ban Kiểm tra Thành đoàn TPHCM lặng người với đôi mắt đỏ hoe dõi trông theo những cánh hoa thả xuống biển trôi dần về phía cuối tàu. Hiếu nói: “Tôi xúc động khi nghe đại tá Thật đọc diễn văn. Các anh hy sinh chỉ kịp nhắn lời cuối cùng từ biệt đến đất liền chứ chưa kịp nói lời chia tay người thân... Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé vì trong cuộc sống, công tác hàng ngày đôi khi gặp khó khăn đã than khổ, điều ấy sánh sao nổi với những hy sinh to lớn của các anh. Khi trở về đất liền tôi sẽ kể cho những các bạn thanh niên khác nghe về những câu chuyện thần kỳ mà tôi tận thấy khi tham gia cuộc hành trình này…”
Sóng quá to nên các đại biểu thanh niên không thể lên nhà giàn để trực tiếp giao lưu với các chiến sĩ. Anh Phan Văn Mãi - Bí Thư Trung ương Đoàn cũng không kiềm được xúc cảm khi buộc phải động viên và chia tay các chiến sĩ thân yêu qua máy bộ đàm.
Dự kiến chiều ngày 7/5, tàu HQ 957 sẽ cập cảng Cát Lái, TPHCM. Bộ Tư lệnh QCHQ sẽ tổ chức lễ chia tay và gắn huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho các đại biểu thanh niên tham gia hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương".
Những tấm gương hy sinh dũng cảm
Đó là tấm gương của Liệt sĩ Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng - Phó Chính trị nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi nhà bị đổ đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển, trong lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất và đã hy sinh vào ngày 5/12/1990.
Liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn 2A/DK1/6 Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 (năm 1999), anh đã bình tĩnh chỉ huy toàn bộ đồng đội rời khỏi Trạm xuống tàu về đất liền an toàn.
Còn anh và đảng viên Nguyễn Văn An ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, rời nhà giàn cuối cùng. Nhưng ác thay, bão, gió đã cướp đi tính mạng của các anh. Nguyễn Văn An ra đi để lại người vợ hiền và đứa con nhỏ mới sinh chưa kịp nhìn mặt bố.
Đó là tấm gương cao đẹp của Liệt sĩ Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền. Khi nhà giàn bị đổ, chỉ kịp gửi lời cuối cùng: “Vĩnh biệt đất liền”, để rồi thanh thản ra đi không một chút ưu tư, suy tính.
Tấm gương dũng cảm của các đồng chí cán bộ thuyền như: Thượng uý Phạm Tảo, Đại uý Nguyễn Văn Tư, Trung uý Lê Tiến Cường và các đồng chí Thượng uý Ngô Sỹ Nga - Máy trưởng, chiến sỹ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh.... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường, dũng cảm cứu vớt đồng đội và đã hy sinh.
Anh Phan Văn Mãi - Bí thư TƯ Đoàn động viên tập thể các cán bộ chiến sĩ trên Nhà Dàn DK qua bộ đàm. Ảnh : Hữu Vinh.