Gần 7 giờ tối, nhiều học sinh đã đội mưa đến trường dự lễ khai giảng. Nhiều em đến nơi, quần áo, tóc tai đã ướt nhẹp... nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ.
Các em là học sinh của Trường Phổ cập giáo dục tiểu học phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngôi trường có tên nhưng không có cơ sở, không có trường, “học ké” tại Trường tiểu học Bình Hòa. Thường ngày, lớp học tổ chức vào ban đêm nên lễ khai giảng cũng theo lịch này.
Lễ khai giảng của các em diễn ra ngắn gọn trong không gian của chính lớp học. Các em nghe lãnh đạo nhà trường đọc thư của Chủ tịch nước dịp khai giảng, thầy hiệu trưởng đánh hồi trống khai trường vang giòn thôi thúc, truyền tinh thần học tập cho học sinh.
Năm nay, trường có 88 học sinh, gồm 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Các em có đủ lứa tuổi, có em vừa lên 6 - 7 nhưng có những học sinh đã 25- 26 tuổi vì hoàn cảnh, điều kiện giờ mới đến trường học chữ.
Học sinh của trường là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có em mồ côi, bị bố mẹ bỏ rơi, bố mẹ tù tội... Có em ở quê theo cha mẹ, người thân lên bố mưu sinh rồi dang dở học hành. Cũng có học sinh đã lớn, 25 - 27 tuổi ở khắp các quận, trước đây vì điều kiện chưa đi học chữ đã tìm đến trường để xin theo học.
Ông Huỳnh Thúc Tịnh cho biết, các em học tất cả các môn như chương trình của trường ban ngày, chỉ trừ môn Thể dục và Ngoại ngữ là trường chưa có điều kiện tổ chức. Mọi cơ sở của trường đều “nhờ” của trường ban ngày.
Nhờ lớp học ban đêm này, tuần 4 buổi từ 2 đến thứ 5, nhiều em đã phổ cập tiểu học, có thể tiếp tục lên lớp 6 ở trường thường. Năm học vừa rồi, trường có 14 học sinh tốt nghiệp chương trình lớp 5, kết thúc bậc tiểu học.
Thầy Tịnh, đánh trống khai giảng năm học mới.
Các em vui khi được đến trường.
Bên cạnh sự hồn nhiên...
... vẫn lẫn khuất đâu đó nỗi lo của cuộc sống mưu sinh.
Nhiều em cũng đã lớn.
Ông Huỳnh Thúc Tịnh đã 20 năm làm hiệu trưởng tại ngôi trường này. Đến tuổi về hưu ông vẫn tiếp tục làm thêm. Ở đây, ông được chứng kiến nhiều học trò đã lớn tuổi, trước chưa học chữ đến xin theo học.
Trường chưa từ chối bất kỳ trường hợp nào bởi hiểu rằng ham muốn được học là ham muốn chính đáng, cần được khích lệ...