Lê Cát Trọng Lý: 'Sắp tới tôi mặc toàn đồ cũ!'

TP - Trở về sau một năm du học ở Đan Mạch, Lê Cát Trọng Lý đang chuẩn bị cho 3 đêm hòa nhạc cùng dàn nhạc thính phòng vào 2-3-4/2 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Kế đó là dự án “xui” mọi người mặc lại quần áo cũ, sửa các đồ vật trong nhà thay vì mua mới. “Tôi tiếp tục hoạt động xã hội nhưng giờ sẽ hệ thống hơn,” Lý cho hay.
Lê Cát Trọng Lý tại Chủ Nhật Đỏ 2016. Ảnh: N.M.Hà.

Nhiều người vẫn chưa được biết Lý chọn trường nào để du học?

Trường tôi một phần thuộc Liên Hợp Quốc. Trường không dạy môn duy nhất là kinh tế và cách làm giàu (cười), mà dạy làm sao đóng góp cho xã hội. Sinh viên đến đây học được giảm 2/3 học phí.

Bạn chọn ngành học gì vậy?

Môn chính tôi chọn là môi trường và phát triển dự án. Vẽ, thiết kế là môn phụ. Một năm học cũng nhẹ nhàng, chủ yếu để mình thay đổi môi trường sống, học về đời sống bên cạnh kiến thức chuyên môn. Quan sát cái cách người ta làm việc cũng giá trị lắm.

Phải chăng âm nhạc với bạn đã đủ, không cần học thêm nữa?

Không phải đủ, tôi dốt về nhạc là đằng khác. Nhưng học cái khác cho vui. Muốn học nhạc ở nước ngoài cho tử tế thì kiến thức nền tảng phải rất tốt mới thi tuyển được. Tôi đâu đủ tốt đâu, nói thật là vậy.

Bạn có thể học sản xuất âm nhạc mà?

Mấy cái đó dành cho những bạn muốn phát triển nghề nghiệp thêm hay làm giàu. Tôi tới cái đoạn cũng không muốn làm thêm mấy việc đó. Công việc cứ tằng tằng như vậy được rồi. Học để mở mang kiến thức ở những mảng khác.

Vậy bạn có gì đổi khác so với trước khi đi học?

Cũng vậy thôi. Tôi đi học một năm mà thấy cũng như mình ngủ mơ một giấc rồi dậy. Về nhà không thấy gì khác, mọi người y chang như vậy (cười), bản thân chẳng thấy ngầu gì lên thêm.

Ít ra bạn cũng đem về nhiều ý tưởng, cảm hứng để làm việc hơn?

Bên cạnh âm nhạc, tôi sẽ làm thêm nhiều công việc khác. Vẫn tiếp tục theo đuổi mảng hoạt động xã hội nhưng tới đây tôi sẽ làm việc có hệ thống hơn, bình tĩnh hơn, chậm hơn, đầu tư nhiều hơn. Chắc đó là sự thay đổi.

Vậy còn dự án âm nhạc sắp tới của Lý?

Tôi sắp có buổi hòa nhạc công bố những tác phẩm mới năm rồi tôi viết ở nước ngoài cùng những bài trong album vừa phát hành năm ngoái. Đây là việc thường niên, năm nào cũng ra một concert thì mình ráng làm. Chỉ có năm ngoái đi học thì tôi không làm được thôi.

Những sáng tác ở nước ngoài của Lý có gì đáng chú ý?

Dự án Những câu đố tôi đã thu âm xong ở Pháp. Mỗi bài hát nội dung là một câu đố. Trong lời hát không có đáp án. Mọi người vừa nghe nhạc vừa phải giải đố. Đĩa master đã có. Có thể hè năm nay phát hành, nếu xin được giấy phép.

Ý tưởng Những câu đố đến từ đâu?

Ngày xưa do tôi đọc Hobbit với chúa tể những chiếc nhẫn. Loại văn học đó hấp dẫn tôi, trong đó có những câu đố cổ tôi thấy thích. Năm ngoái, tôi bắt đầu dự án ca khúc cho thiếu nhi. Tôi nghĩ nếu thiếu nhi chơi với bố mẹ thì thường chơi gì- giải đố là hấp dẫn. Thế nên tôi viết những câu đố để gia đình có thể trò chuyện với nhau quanh nội dung bài hát. Hay họ đưa được nhau đi xem văn nghệ, bên cạnh nghe hát có câu chuyện để nói. Vì vậy tôi quyết định làm câu đố. Rồi tôi có một chị bạn cũng giỏi về văn học. Tôi nói chị viết 3-4 câu đố gốc. Dựa trên đó tôi viết thành ngôn ngữ âm nhạc.

Lý có thể chia sẻ về dự án xã hội bạn đang quan tâm hoặc sắp thực hiện?

Sắp tới tôi thực hiện một dự án liên quan đến môi trường. Dự án của tôi tìm cách giới thiệu về tiêu dùng mang tính bền vững (sustainable consumption) cho người dân Việt Nam. Ví dụ, đồ dùng hư hỏng mình ít chỉnh sửa, mua mới nhanh hơn. Một mặt mình trữ rất nhiều đồ trong nhà, chẳng cho ai cũng chẳng bán đi. Một mặt mình mua thêm. Hay mình thích mua những đồ rẻ nhưng tuổi thọ thấp, vì thời trang. Khi những cái đó ra bãi rác sinh khí gaz, làm nóng Trái Đất, rất nhiều vấn đề. Thói quen tiêu dùng cứ muốn mua cái mới, nhiều khi không có tiền cũng cứ phải mua tạo thành đời sống ít chất lượng.

Bọn tôi giới thiệu đặc biệt đến giới trẻ cách tiêu dùng thông minh. Làm sao mình suy nghĩ kỹ trước khi mua đồ hoặc sử dụng đồ cũ cũng không xấu hổ. Bọn tôi cho thiết kế lại, nâng cấp tái sử dụng quần áo cũ. Tôi mặc những đồ đó luôn. Rồi hạn chế sử dụng bao nylon… Vẫn là những cái “linh tinh” như trước nay mọi người vẫn thấy, nhưng bên tôi thêm vào yếu tố: tự mình tập sáng tạo và sửa chữa những đồ cũ. Làm những hội thảo cho trẻ em tham gia sáng tạo từ đồ cũ và tập sửa chữa đồ điện, xe đạp…- những việc rất đơn giản, thay vì cứ hỏng là mua. Và không ngại hay cảm thấy xui xẻo (!), nếu phải mua một món đồ sang tay. Vì cái đó ngoài tiết kiệm ra còn không thúc đẩy việc sản xuất hàng loạt những đồ rẻ nhưng không bền. Sẽ có thông báo chính thức về dự án vào tháng 3 năm nay.

Dự án sẽ sử dụng các loại hình nghệ thuật cùng âm nhạc chứ?

Bọn tôi gom một đội ngũ kiến trúc sư, thiết kế làm lại đồ cũ cho đẹp hơn. Để giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm không phải cảnh vẻ gì mà tiện ích thôi.

Lý sẽ sáng tác những bài hát có câu “bạn ơi hãy mặc đồ cũ đi…” chẳng hạn?          

Dạ không. Bài kiểu tuyên truyền thế ghê quá. Nhưng sẽ có những hoạt động trao đổi giới thiệu về tiêu dùng bền vững đến các bạn trẻ. Cái đó cả thế giới đang làm, không có gì mới, mình theo đúng xu hướng. Giống như cách đây mấy chục năm mà nói đi hiến máu chắc mọi người không hiểu. Mình làm dần dần thì người ta thấy đó là việc tốt.

Đúng rồi, hiến máu cũng phải thuyết phục không người ta sợ ảnh hưởng sức khỏe?

Ở nước ngoài một người trong một đời họ hiến máu phải tới hơn 50 lần và họ thích việc đó luôn. Tôi có vài người quen ở Thụy Điển giờ 60 tuổi rồi vẫn thích đi hiến máu. Họ xem đó là việc vừa tốt cho họ vừa tốt cho người khác. Vì hiến máu cũng giúp mình thay máu. Thanh niên có thể hiến máu 1-2 lần ghi dấu tuổi trẻ hay thấy người khác làm mình cũng phải làm được. Như thế cũng tốt nhưng bên kia người ta ý thức rất rõ việc họ làm và tự hào vì điều đó.