Lễ kỷ niệm “Ba mươi năm viết văn Nguyễn Du 1979 - 2009” sắp diễn ra long trọng (ngày 18/11) tại khuôn viên cũ Trường Viết văn Nguyễn Du (nằm trong Trường ĐH Văn hóa).
30 năm qua, ngôi trường này bao phủ xung quanh nó nhiều giai thoại, thậm chí huyền thoại, với những long đong lận đận hết nhập vào lại tách ra, nâng lên lại hạ xuống...
Nhân dịp này, TP cuối tuần có cuộc trao đổi cởi mở với Nhà phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình (Trường ĐH Văn hóa).
Rất nhiều người trong giới và cả ngoài giới mong muốn, sau khi đào tạo, đa số sinh viên “thành tài” – nghĩa là trở thành nhà văn, nhà thơ (vào Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn), có tác phẩm được công nhận. Tuy nhiên, những khóa gần đây, khá nhiều sinh viên của khoa sau khi ra trường lại đi làm báo, và khá ít người làm văn chương chuyên nghiệp? Ông lý giải chuyện này như thế nào?
Một ngôi nhà văn chương bao giờ cũng có nền và đỉnh. Ở những lớp từ khoá I đến khoá IV, đã có ngay cả nền và đỉnh. Nền thì tương đối rộng, và có những đỉnh, như văn xuôi, là Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, thơ thì Hữu Thỉnh, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ...
Nhưng từ khoá V đến về sau này, nền thì có đấy, nhưng đỉnh thì rất hiếm hoi, như nhà văn Dạ Ngân, chị đã định đi học từ khoá II khoá III, nhưng điều kiện khó khăn chưa đi được, thì chị mới vào khoá V và cũng là một đỉnh ở đây. Như vậy, có thể thấy, đầu vào của lứa trước mạnh hơn. Đào tạo với họ chỉ là thêm một cú hích, không như với lớp sau, đào tạo bị sức ép rất lớn.
Tuy nhiên, những khóa sau cũng luôn có những học viên ra trường, gắn cuộc đời mình với văn chương và đã có những thành tựu nhất định. Như khóa VI, có Dương Quốc Hải, Đào Bá Đoàn...; khóa VII có Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy..; Khóa VIII, trụ hẳn với văn chương có Cấn Vân Khánh, Đinh Ngọc Hùng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Học...
Những người khác đi làm nghề khác, nhiều nhất là đi làm báo, nhưng tôi biết nhiều người trong họ vẫn ấp ủ những dự định văn chương.
Trong quy hoạch tổng thể của Trường ĐH Văn hóa trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gần đây, theo đề nghị của khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình (SLP), trong vòng 5 - 10 năm tới, khoa SLP sẽ lại trở về thành Trường Viết văn Nguyễn Du. Nếu được Bộ phê duyệt, khoa SLP sẽ trở thành Trường Viết văn Nguyễn Du nằm trong Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (hoặc Học viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia – tên dự định mới của Trường ĐH Văn Hóa). Các ông đón đầu việc này như thế nào?
Chúng tôi đang tìm kiếm, tiếp nhận, trải thảm đỏ mời những người có tài và có tâm huyết về để xây dựng đội ngũ giảng viên. Tiếp đến, chúng tôi đang xúc tiến mở thêm các ngành và các loại hình đào tạo.
Như hiện nay, tôi đã có trong tay gần 20 hồ sơ có nguyện vọng học viết văn văn bằng 2, chúng tôi sắp triển khai loại hình đào tạo này. Chúng tôi còn đang chuẩn bị mở các lớp báo chí, lớp biên tập tác phẩm văn học, lớp biên dịch dịch thuật văn học với các ngoại ngữ như Anh, Trung, Nga, Pháp.
Một việc quan trọng nữa là thời gian tới, chúng tôi nối lại và xây dựng thêm những quan hệ giao lưu với quốc tế, đặc biệt quan trọng là với Nga và Mỹ. Tới đây, ông Hiệu trưởng Trường Gorky cùng nhiều chuyên gia sẽ sang làm việc với chúng tôi.
Trước đây, trường viết văn Nguyễn Du đã có một qua trình liên kết khá bền với nhiều cơ sở đào tạo viết văn quốc tế, nhưng từ khi sáp nhập vào, tụt hạng thành một khoa của ĐH Văn hóa thì việc này bị đình trệ.
Thưa ông, có phải từ khi bị tụt hạng, các ông đã gặp nhiều khó khăn mọi mặt?
Vâng, rất nhiều khó khăn kể từ tháng 10/2004, đổi tên thành Khoa Sáng tác và Lý luận - phê bình văn học như hiện nay. Từ đó, khi chỉ là một khoa, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không thể giải quyết.
Đó là, cơ sở vật chất quá thiếu thốn, từ nơi ăn chốn ở cho học viên, đến việc đầu tư tài chính cho việc đi thực tế, sáng tác, in ấn, quảng bá, giao lưu văn học…;
Thiếu quyền tự chủ mạnh mẽ về nội dung chương trình, về tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy, về việc trả thù lao cho những người thầy giỏi, những chuyên gia giỏi…
Tôi xin nói, với một giáo sư, mời đến dạy một buổi sáng thì thù lao 1 triệu đồng vẫn là quá ít, nhưng hiện nay thì chúng tôi lại phải chi mức dưới như thế.
Có thể nói, những giáo sư, chuyên gia, nhà văn nổi tiếng đến thỉnh giảng ở khoa là vì quý Văn Giá và vì thương sinh viên mà thôi. Thực sự, nếu các nhà quản lý quan tâm đến sự phát triển của văn chương, nghệ thuật thì nên ủng hộ đề án, để tái lập lại trường Viết văn như nó đáng được từ lâu rồi.
Gần đây, đã có Trung tâm viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam lấy tên đại thi hào Nguyễn Du làm tên của mình. Trong khi đó, các ông cũng muốn khi tái lập trường, sẽ lấy lại tên cũ là trường viết văn Nguyễn Du, việc này sẽ được dàn xếp thế nào, thưa ông?
Việc lấy lại tên Trường Viết văn Nguyễn Du là nguyện vọng chung rất thiêng liêng của đa số cựu học viên, sinh viên, cán bộ giảng dạy. Thầy Hoàng Ngọc Hiến còn viết cả một bài mang tên “Khi nào trường Viết văn Nguyễn Du tái sinh” đăng trên báo Văn nghệ.
Nếu được đồng ý, tôi nghĩ không có vấn đề gì, vì trường lúc đó là Đại học viết văn Nguyễn Du, Trung tâm bồi dưỡng của Hội Nhà văn cũng mang tên Nguyễn Du, chỉ giống nhau tên danh nhân thôi, còn những phần khác của tên vẫn khác nhau.
Cũng như có rất nhiều trường trung học trên cả nước mang tên Nguyễn Du, rồi Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên, Phan Bội Châu... – những danh nhân văn hoá, có sao đâu?! Cái tên nó phải đảm bảo chất lượng, cái đó mới là quan trọng.
Hiện nay, có khá nhiều nơi tổ chức đào tạo viết văn: Bộ VH-TT-DL (là khoa SLP thuộc đại học VH), Trung tâm đào tạo viết văn Nguyễn Du (thuộc Hội Nhà văn VN) và cả lớp viết văn thuộc ngành quân đội nữa (Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Theo ông sự đa dạng này nói lên điều gì? Có cần phải “quy hoạch” không? Vì sao?
Không cần quy hoạch gì cả. Tôi nghĩ, chúng ta phải làm quen dần với cơ chế thị trường trong đào tạo - giáo dục. Không chỉ những cơ sở đã có mà thậm chí, tôi nghĩ sau này, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn hay trường nào nào nữa cũng mở khoa viết văn thì cũng không sao cả.
Nghĩa là, nhiều nơi có cơ sở đào tạo một ngành nghề, viết văn thì cũng thế thôi. Phải làm quen với việc cạnh tranh. Và nơi nào tốt hơn, có uy tín hơn thì người ta đến học nhiều hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Lê Anh Hoài thực hiện