Vụ tấn công ngày 28/1 khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 40 binh sĩ khác bị thương. Đây là vụ tấn công chết người đầu tiên nhằm vào lực lượng Mỹ từ khi cuộc xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, đánh dấu bước leo thang đáng kể những mâu thuẫn và đụng độ ở Trung Đông.
“Tổng thống và tôi sẽ không tha thứ cho những vụ tấn công vào lực lượng Mỹ và chúng tôi sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ Mỹ và binh lính của chúng tôi”, ông Austin phát biểu tại Lầu Năm Góc ngày 29/1.
Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết họ không muốn tình hình leo thang hơn nữa. Lầu Năm Góc gợi ý rằng Iran cũng không muốn chiến tranh trực diện với Mỹ.
“Chúng tôi chắc chắn không tìm kiếm chiến tranh và chúng tôi cũng không thấy Iran muốn chiến tranh với Mỹ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với báo chí.
“Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc xung đột ở khu vực về mặt quân sự”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định. Ông cho biết Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các lựa chọn.
Mỹ vẫn đang điều tra xem vì sao gần 350 binh lính ở căn cứ Tháp 22 tại Jordan không thể ngăn chặn vụ tấn công bằng máy bay không người lái.
Hai quan chức cho biết, chiếc máy bay không người lái của Mỹ trở về Tháp 22 đúng lúc chiếc máy bay tấn công lao đến ở tầm thấp, nên lực lượng Mỹ có thể đã nhầm lẫn.
Bà Singh cho biết, vụ tấn công có “dấu ấn” của Kataeb Hezbollah, một nhóm vũ trang thân Iran, nhưng Lầu Năm góc chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Ngày 29/1, Thủ tướng Anh Rishi Sunak bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông và thúc giục Iran xuống thang.
Bộ trưởng tình báo Iran nói rằng các nhóm vũ trang ở khu vực đáp trả “những người Mỹ hung hăng” theo ý của họ.
Theo các chuyên gia, bất kỳ cuộc tấn công nào vào trong đất Iran cũng sẽ dẫn đến việc Tehran đáp trả mạnh mẽ, khiến tình hình leo thang theo cách có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông.