Ngày 18/3, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thị Huyền (SN 1986) và vợ chồng K’Krang (SN 1965), H’Dô (SN 1970), cùng trú huyện Đắk G’long, để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2020, Huyền bắt đầu cho vay tiền lãi suất cao từ 4.000-6.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương lãi suất từ 144%-216%/1 năm). Huyền tập trung vào những người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết và khó khăn về nguồn vốn nhưng lại có nhiều đất canh tác, để cho vay nặng lãi. Bởi với lãi suất vay cao, những “con nợ” này thường không có tiền trả nên phải bán đất cho Huyền.
Khoảng tháng 6/2020, Huyền móc nối với vợ chồng K’Krang và H’Dô (hàng xóm) để tìm “con mồi”, đứng ra thỏa thuận các giao dịch và được bà “trùm” trả công.
Khi khách vay tiền, Huyền thường viết giấy vay mượn tiền hoặc yêu cầu người vay viết giấy bán đất cho Huyền và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến hạn không trả, người vay phải làm thủ tục sang nhượng đất cho Huyền. Với thủ đoạn đó, từ đầu năm 2020 đến tháng 2/2022, nhóm của Huyền đã cho trên 300 lượt vay với số tiền hơn 30 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Văn Tuấn (SN 1975, trú phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa) để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Tuấn mở tiệm cầm đồ và cho người dân vay tiền đáo hạn ngân hàng hoặc tiêu dùng dưới 2 hình thức ngắn hạn và dài hạn, lãi suất từ 2.000- 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương ứng mức lãi suất từ 72%-180%/1 năm). Với hình thức vay ngắn hạn, Tuấn thu lãi và gốc cùng lúc, còn vay dài hạn sẽ thu lãi theo tuần hoặc tháng.
Đối với người lạ vay tiền, Tuấn yêu cầu đặt lại giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe...
Đến ngày 15/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ Lê Văn Tuấn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bước đầu xác định, Tuấn đã cho 528 lượt người vay, tổng số tiền trên 52 tỷ đồng.
Nhức nhối “tín dụng đen”
Thời gian qua, “tín dụng đen” hoạt động mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên, là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã phát, dán tờ rơi ở khắp nơi với những nội dung rất hấp dẫn như: Cho vay không cần thế chấp, các thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, có tiền ngay...
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp bóng dưới vỏ bọc như: Cơ sở cầm đồ; cơ sở kinh doanh; công ty tài chính. Cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay hoặc một số đối tượng cho vay là những đối tượng có tiền án tiền sự, chúng cho vay với lãi suất rất cao từ 100%-300%/1 năm, thậm chí đến 700%/1 năm.
Để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản... với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của nhà nước, hoặc không thể hiện lãi suất nhưng trên thực tế người vay phải trả lãi suất rất cao.
Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt tội phạm cho vay lãi nặng; đồng thời chủ động phối hợp ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, lực lượng công an đã tập trung xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; các ổ nhóm, đối tượng cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính vi phạm pháp luật.
Trong năm 2021, công an toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 6 vụ, 9 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có 1 vụ cố ý gây thương tích và 5 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.