'Làng rể Tây' bên sông Đắk Bla

TP - Bao đời gắn với nương rẫy, núi rừng, các sơn nữ người Ba Na phía bắc Tây Nguyên trước đây không ngờ có ngày mình lại thích “bắt” các chàng trai cách nửa vòng trái đất về làm chồng. Tới nay riêng làng Kontum K’nâm bên dòng sông Đắk Bla (TP Kon Tum) đã có đến 6 cặp vợ Tây Nguyên, chồng Tây... Phương.
Cặp đôi Y Ra- Theocastro Giovanni ở làng Kontum K’Pâng

Chuyện tình Việt -Pháp

Các cặp đôi đã vượt qua rào cản về thời gian, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán để đến với nhau, như có phép màu kỳ diệu. Cuối năm 2018, chúng tôi đến “Làng rể Tây” tìm lời giải cho những những cuộc tình xuyên biên giới. 

Đến thăm cặp vợ chồng chàng trai người Pháp Thibault Lille (40 tuổi) và chị Y Nanô (làng Kontum K’nâm, phường Thống Nhất) đúng dịp gia đình quây quần đón giáng sinh. Đây là lần thứ 4, Thibault Lille đón năm mới ở Việt Nam. Giai điệu Jingle Bells ngân vang khiến anh nhớ về những mùa đón giáng sinh bên trời Tây. Nỗi nhớ ấy vơi đi nhờ bên anh có tổ ấm nhỏ. Hỏi duyên vợ chồng, chị Y Nanô e thẹn “Bọn mình yêu thì lấy nhau thôi. Chỉ hơi khác là chồng mình người Pháp chứ không phải người Ba Na”. 

Chị gặp Thibault Lille năm 2008 khi anh vào làng du lịch. Cái vẫy tay  và cách nói “Hello” vui vẻ của chàng trai Tây cao to tạo thiện cảm với cô sơn nữ. Cuộc gặp thành định mệnh, hai người trao đổi địa chỉ Email. Ban đầu, chị trò chuyện với anh chỉ để học thêm tiếng Anh, còn chàng trai Tây thì lại muốn tìm hiểu thêm văn hóa người Ba Na. Tin nhắn qua lại giữa hai người cách xa cả vòng trái đất mỗi lúc thêm dày và họ yêu nhau lúc nào không hay.

Chị Y Nanô nhớ như in khoảnh khắc anh Thibault Lille tỏ tình vào dịp giáng sinh năm 2012. Khi đó, chị đang học năm cuối Trung cấp Y tế tại TPHCM.  “Thibault Lille nói sẽ sang thăm mình nhưng không cho thời gian cụ thể. Chiều 24/11, anh bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà trọ với bó hoa tươi trên tay. Anh đưa mình ra công viên rồi quỳ gối dâng nhẫn cầu hôn mặc cho bao người đưa mắt tò mò. Mình mắc cỡ quá, chỉ biết gật đầu đồng ý! ”. Y Nanô dắt người yêu về ra mắt gia đình, được chấp thuận. Năm 2013, làm thủ tục đăng ký kết hôn xong anh đưa chị qua Pháp thăm gia đình chồng.  

Năm 2014, họ tổ chức một tiệc cưới ấm cúng ở làng Kontum K’nâm. Thibault Lille đồng ý ở rể theo đúng phong tục Ba Na. Từ ngày nên duyên vợ chồng, chị Y Nanô lo việc nương rẫy, còn Thibault Lille dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ. Gia đình anh, chị luôn đầy ắp tiếng cười bởi sự xuất hiện của hai thành viên xinh xắn là Mina và bé trai Andre. Hằng ngày, anh chị trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Còn Thibault Lille cũng nói được vài câu chào hỏi mọi người bằng tiếng Ba Na. 

Chuyện tình xuyên biên giới Việt –Pháp còn đơm hoa kết trái với cặp đôi Y Ra và Theocastro Giovanni cùng sinh năm 1992. Giovanni là nhà kinh doanh, hay sang Kon Tum làm từ thiện. Tại đây, họ gặp nhau như trúng “tiếng sét ái tình”. Anh xin số điện thoại làm quen không được, bèn tìm đến tận nhà chị ở làng Kontum K’Pâng trồng “cây si”. Một tháng bên nhau, anh thể hiện tình cảm chân thành, nghiêm túc khiến Y Ra dần mở lòng...

Yêu nhau 3 năm, cặp đôi quyết định về chung một nhà vào đầu năm 2018. Cưới xong, Theocastro Giovanni quay lại Pháp làm việc, còn Y Ra thì học nghề may truyền thống. Sau khi hoàn tất thủ tục cấp visa, Y Ra sẽ sang Pháp định cư.

“Làng rể Tây”

Bà Y Giút, thôn trưởng Kontum K’nâm, phường Thống Nhất, TP Kon Tum nói: Vài năm trở lại đây nhiều cô gái Ba Na có xu hướng lấy chồng Tây. Chỉ tính trong làng đã có 6 cô: Y Hem, Y Nanô, Y Lynar, Y Han, Y Ny Ly, Y Ruth lấy chồng người các nước Anh, Pháp, Bỉ… Đa số các cặp đôi sau khi đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới thì ra nước ngoài định cư. Hiện chỉ có vợ chồng Y Nanô sinh sống tại làng, còn cặp Y Hem và Jonh Nathan (Bỉ) cũng ở rể được 4 năm. Jonh mới quay về nước hơn một năm để kiếm tiền lo cho vợ con. Hiện Y Hem đang chờ con lớn sẽ qua Bỉ sống với chồng.

Gia đình Y Nanô- Thibault Lille hạnh phúc với hai thiên thần nhỏ

Lý giải về việc làng có nhiều sơn nữ lấy chồng nước ngoài, bà Y Giút cho hay: Do làng Ba Na nằm trong TP Kon Tum có nhiều khách đến du lịch nhất là khách Tây. Từ những cuộc gặp gỡ giao lưu trong lễ hội, họ kết bạn làm quen rồi dần nảy sinh tình cảm. Phụ nữ Ba Na thật thà chung thủy, đã yêu ai thì một lòng chờ đợi, có lẽ vì thế khiến các chàng Tây yêu quý, muốn lấy làm vợ. 

Mùa xuân đang tràn ngập núi rừng cực bắc Tây Nguyên, những chàng trai ngoại quốc đang cõng ba lô tới du lịch, thăm thú buôn làng và ở đó các sơn nữ người Ba Na lại bắt đầu một mùa yêu mới. Và đâu đó giữa núi rừng, các chàng trai Tây lại quyết tâm “đóng khố, xin làm rể” tại các làng Kontum K’nâm, Kontum K’Pơng, Kon K’tu… bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa thơ mộng. 

Người Ba Na rất coi trọng chuyện hôn nhân, đã lấy nhau thì phải sống đến trọn đời. Họ kỵ chuyện ly dị nên bố mẹ thường để con cái tự do chọn vợ, chọn chồng. Với các cuộc tình có yếu tố nước ngoài, bố mẹ và trưởng thôn cùng tìm hiểu kỹ về người nước ngoài đó. Nếu họ tốt bụng, chân tình thì mới cho lấy nhau và phải làm đầy đủ các thủ tục cần thiết như đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới…