Làng gốm Thổ Hà: Vết tích thời vàng son

TPO - Từng là một trong ba trung tâm gốm sứ lâu đời và lớn nhất miền Bắc, làng gốm Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Nghề làm gốm Thổ Hà xuất hiện từ thế kỷ XIV. Với địa thế thuận lợi bên sông Cầu, Thổ Hà nhanh chóng trở thành một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc.

Nhờ sự hưng thịnh của nghề gốm, đời này qua đời khác, người dân nơi đây đã xây dựng Thổ Hà thành một quần thể xóm làng thuần Việt với những đình chùa, cổng làng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc mà dân dã.

Cách cổng làng không xa, có ngôi đình cổ được dựng vào đời Lê Hy Tông (1692) trên khu đất rộng 3.000m2.

Kiến trúc theo kiểu chữ “công”, tòa bái đường dài 27 mét, rộng 16 mét, nền cao 0,5 mét, xung quanh bó đá tảng xanh.

Mái lợp ngói mũi hài, to bản, 4 góc là những đầu đao cong vút. Hoa văn rồng phượng ẩn hiện trong mây hài hoà cùng người và cỏ cây, hoa lá, muông thú còn ghi lại dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ khắc.

Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng, mượt như nhung, mát lịm.

Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Bề mặt đồ gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội.

Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, chính thế mà hồn gốm Thổ Hà như còn đọng mãi...

Theo Viết