Sáng 3-1, ông Trần Đức Cần ở phường Thống Nhất (TP Biên Hoà) vớt trên 700 kg cá diêu hồng chết nổi trên mặt bè. Ngày hôm trước, cá bè của ông Cần chết trên 4 tấn. Trước đó, mỗi ngày cá chết vài ba trăm kilôgam.
Ông Cần cho biết tính từ ngày 13-12 đến nay, lượng cá bè của ông đã chết khoảng 7 tấn. Cứ 3-6 giờ sáng, khi nước ròng là cá có dấu hiệu thiếu ô xy và chết. Theo ông Cần, cá chết có trọng lượng 500g - 800g/con, chuẩn bị để bán cho mùa tết. Số cá chết nếu bán được cũng chỉ 5.000 đồng/kg, trong khi đó, giá hiện nay là 28 ngàn đồng/kg.
Là người nuôi cá bè có quy mô lớn nhất ở làng cá bè, mỗi đợt cá chết, ông Cần luôn là hộ bị thiệt hại nhiều nhất. Vào tháng 6-2010, ông Cần cũng có lượng cá chết lên đến 25 tấn. Ông Cần tính toán vụ này thu hoạch bù lại phần nào vụ nuôi trước đã bị lỗ, nhưng giờ này coi như trắng tay, nợ vẫn tiếp tục thâm nợ.
Cũng lâm vào tình cảnh như vậy, ông Trần Đức Kiệm- em trai ông Cần cũng đang phải thu hoạch cá chết với số lượng cả tấn. Ông Nguyễn Văn Thái, một hộ nuôi cá bè ở phường Thống Nhất cho biết, từ 10 ngày nay, cá của ông đã chết khoảng 700kg, toàn là cá có trọng lượng trên 500g/con.
Ông Trần Văn Sửu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất kể: Chỉ riêng phường Thống Nhất, 2 ngày nay lượng cá chết khoảng 20 tấn, còn vào tháng 6-2010, lượng cá bè ở đây chết 120 tấn. Đợt này bà con chuẩn bị cá để bán Tết, nhưng nhiều hộ coi như mất trắng vì cá chết, một số hộ lo bán cá sớm không dám chờ Tết.
Theo ông Sửu, khu vực nuôi cá bè ở phường Thống Nhất thường bị thiệt hại nhiều nhất do ở gần họng xả nước thải của nhà máy giấy Tân Mai. Gắn bó với nông dân, ông Sửu nói: “Nhìn tình cảnh này, mình còn xót đứt ruột, huống gì bà con quanh năm suốt tháng trông chờ vào con cá. Cá chết hết đợt này đến đợt khác thì làm sao nông dân chịu thấu”.
Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai thì tình trạng cá bè chết trong những ngày qua là do mật độ cá nuôi trong bè nuôi quá dày trong khi đó, nguồn nước sông Cái bị ô nhiễm cộng với sự thay đổi thời tiết làm ảnh hưởng đến nguồn ô xy trong nước.
Những người dân nuôi cá bè phản ánh nguyên nhân cá chết là do nước thải của Nhà máy Giấy Tân Mai xả ra sông Cái nhưng cơ quan chức năng cho biết không xác định đâu là nguyên nhân chính.
Nóng ruột, ông Cần đã lấy mẫu nước từ họng xả nước thải của Nhà máy Giấy Tân Mai đem đến Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường phân tích. Kết quả các chỉ số BOD, COD… trong nước đều vượt ngưỡng cho phép, nhưng kết quả này không được các cơ quan chức năng công nhận làm cơ sở để kết luận nhà máy giấy gây ô nhiễm nguồn nước.