Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ in 3D tái tạo lồng ngực

TP - Ngày 18/9, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec và Trung tâm Công nghệ 3D trong y học (Đại học VinUni), công bố bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được tái tạo toàn bộ xương ức và các xương sườn lân cận từ vật liệu Titan bằng công nghệ in 3D.
Các bác sĩ thăm bệnh nhân sau ca ghép đặc biệt

Đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ in 3D vật liệu Titan cho các bệnh nhân tim phổi phải sử dụng xương nhân tạo. Hiện nay sử dụng công nghệ in 3D trong lĩnh vực tim mạch là xu thế trên thế giới khi Mỹ, châu Âu đang thí điểm nghiên cứu ban đầu.

Bệnh nhân nữ 55 tuổi (Hà Nam), bị khối u trung thất kích thước lớn tới 11,5cm xâm lấn phức tạp vào thành ngực trái, xương sườn số 2, 3, 4, thùy trên phổi trái, một phần xương ức, gây chèn ép nghiêm trọng lên tim, phổi và các cơ quan xung quanh. Ca bệnh được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, điều trị bằng hóa chất và xạ trị không còn hiệu quả, chỉ có thể giải quyết bằng phẫu thuật cắt rộng u kèm theo xương ức và các xương sườn lân cận.

Ngoài việc triệt căn khối u, ca bệnh đặt ra thách thức lớn trong việc tái tạo thành ngực nhằm bảo vệ chức năng tim, phổi sau phẫu thuật. Nếu không được tái tạo đúng cách, nguy cơ suy giảm hô hấp và chấn thương các cơ quan nội tạng sẽ tăng cao đáng kể.

TS. Đặng Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết: “Khuyết hổng lớn ở thành ngực trước là một thách thức lớn trong việc phục hồi cấu trúc giải phẫu cho vị trí này. Theo các y văn trước đây, một số nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra một số thiết kế mảnh ghép sử dụng Công nghệ 3D. Tuy nhiên, ở mỗi thiết kế vẫn còn những nhược điểm nhất định như phức tạp, khó thao tác dẫn đến thời gian phẫu thuật kéo dài. Để giải quyết bài toán này, nhóm thiết kế gồm các chuyên gia tim mạch lồng ngực, chấn thương chỉnh hình Vinmec và đội ngũ kĩ sư của Trung tâm công nghệ 3D trong y học đã trải qua gần ba tuần nghiên cứu miệt mài cải tiến để khắc phục các hạn chế từ những thiết kế trước, thử nghiệm hàng chục tình huống mô phỏng để thiết kế đạt độ tỉ mỉ, tinh xảo, đảm bảo độ mỏng và chuẩn xác theo tiêu chuẩn cao nhất”.

Ngày 11/9, ca mổ tái tạo gần như toàn bộ ngực trái cho bệnh nhân đã thành công sau gần 3 giờ. Chỉ một ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và trò chuyện bình thường, phục hồi sức khỏe tốt và xuất viện chỉ sau 5 ngày.