> Thủ tướng đối thoại với thanh niên: Đất nước ta thiếu cả thầy lẫn thợ
> Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X: Từ thảo luận cởi mở tới những giải pháp thiết thực cho Đoàn
> Tóm tắt Báo cáo của BCH T.Ư Đoàn khóa IX tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X
Tại buổi họp báo, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, diễn ra từ ngày 11 đến 14-12, Đại hội đã triệu tập 999 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7 triệu ĐVTN trên cả nước.
Đại hội đã vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, nguyên bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn các thời kỳ về dự.
Đại hội đã tiếp thu bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ Việt Nam đồng thời Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.
Anh Dũng nhấn mạnh, tại Đại hội này, các đại biểu được gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hàng loạt câu hỏi, vấn đề đại biểu quan tâm đã được Thủ tướng giải đáp.
“Đại hội trở thành dấu mốc trong lịch sử, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ ký Nghị quyết liên tịch ban hành quy chế phối hợp công tác với T.Ư Đoàn. Theo đó, Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và giao cho Đoàn thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát huy thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước”, anh Dũng nói.
Đại hội thảo luận và thông qua Báo cáo của BCH T.Ư Đoàn khoá IX; Thông qua Điều lệ Đoàn sửa đổi gồm 12 chương và 42 điều, tăng 1 chương, 4 điều so với Điều lệ khoá IX và có 14 nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung.
Tại buổi họp báo, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã trả lời báo chí. Báo Thanh Niên đề cập vấn đề biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa đang thu hút sự quan tâm của TN nhưng chưa thấy Đại hội nói nhiều, nhiệm kỳ tới, tổ chức Đoàn sẽ làm gì?
Anh Vinh cho rằng, biển đảo là vấn đề quan trọng đối với đất nước cũng như tuổi trẻ. Trong các chương trình trước, trong và sau Đại hội tuổi trẻ cả nước đã có rất nhiều chương trình thể hiện tình yêu biển đảo.
Ngay tại thông điệp Đại hội cũng có: “TN không ngại hy sinh, gian khổ giữ gìn trật tự an toàn xã hội vì bình yên của nhân dân, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc”, lời lẽ ngắn gọn nhưng tình cảm tuổi trẻ là rất lớn.
Về vấn đề nhiều du học sinh học tập ở nước ngoài khi về nước gặp khó trong công việc, thậm chí không có cơ hội việc làm, anh Vinh chia sẻ, bản thân anh cũng từng là du học sinh nên rất thấu hiểu, nhiều du học sinh chưa tiếp cận được thông tin.
Họ cứ nghĩ, đi 5 năm, 10 năm đất nước mình vẫn lạc hậu như trước. Chính phủ, các bộ, ngành, T.Ư Đoàn đã có nhiều chương trình giao lưu với du học sinh là kênh để du học sinh có thêm thông tin.
“Tôi nghĩ, mình là TN Việt Nam, mình cống hiến cho đất nước, dù có khó khăn, vất vả một chút cũng vui, đó mới là đáng quý. Vì chúng ta là thế hệ trẻ, không xây dựng, cống hiến cho đất nước thì còn ai nữa”, anh Vinh nói.
Những câu hỏi của báo chí liên quan các vấn đề, giải quyết việc làm, nghề nghiệp; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống TN; các chương trình hỗ trợ thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới… cũng được anh Nguyễn Đắc Vinh giải đáp.