Lần đầu ghép tim nhân tạo hoạt động lâu dài

TP - Một quả tim nhân tạo đầy đủ tính năng vừa được cấy ghép thành công lần đầu tiên tại Pháp cũng như trên thế giới. Các loại tim nhân tạo hiện tại chủ yếu chỉ hoạt động tạm thời, nhưng tim nhân tạo mới có thể thay hẳn tim thật và giúp bệnh nhân sống thêm 5 năm.

Chạy bằng pin đồng hồ, quả tim nhân tạo được các bác sĩ ở bệnh viện Georges Pompidou (Paris) cấy ghép thành công cho một bệnh nhân nam. Trái tim này được làm từ nhiều loại vật liệu sinh học, như tế bào của bò, nhằm giảm nguy cơ bị cơ thể đào thải. Các bác sĩ Pháp nói rằng, bệnh nhân được cấy ghép tim đã tỉnh và phản ứng tốt sau ca phẫu thuật hôm 18/12.

“Chúng tôi rất vui mừng với ca phẫu thuật đầu tiên này, cho dù vẫn còn sớm để đưa ra kết luận chỉ sau một ca phẫu thuật”, ông Marcello Conviti, Tổng giám đốc điều hành Cty Sinh học Carmat của Pháp (hãng chế tạo quả tim nhân tạo nói trên), nói.

Được phát triển với sự cộng tác của các kỹ sư Tập đoàn Công nghệ Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) có trụ sở tại Hà Lan, tim nhân tạo nặng 0,9kg, gần gấp ba lần trọng lượng trung bình của tim người. Nó bắt chước những đợt co bóp tim và chứa một số thiết bị cảm biến giúp điều khiển sự di chuyển của dòng máu. Ở bên trong, những chỗ tiếp xúc với dòng máu được làm từ tế bào của bò thay vì vật liệu tổng hợp, như nhựa, để tránh gây ra máu vón cục.

Trên thế giới mỗi năm có hàng ngàn người tử vong vì không chờ được người hiến tặng tim. Cty Carmat nói rằng, thiết bị của họ giúp bệnh nhân có thể hồi phục để về nhà, thậm chí trở lại làm việc. “Đây là cách giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường mà ít nhất không phải phụ thuộc thuốc men... Quả tim mới sẽ giúp máu lưu thông dễ hơn và ít vón cục hơn”, bác sĩ Alain Carpentier, người tiến hành ca phẫu thuật, nhận xét.

Đàn ông bị đau tim nhiều hơn phụ nữ, và kích thước của tim nhân tạo mới phù hợp với 86% đàn ông và chỉ khoảng 20% phụ nữ. Carmat cho biết họ đang chế tạo phiên bản nhỏ hơn để phù hợp hơn với nữ giới và người châu Á.

Dù mục đích của hãng công nghệ sinh học là giúp bệnh nhân sống thêm 5 năm, nhưng thành công của thiết bị đang ở giai đoạn thử nghiệm này vẫn cần được giám sát xem nó có thích nghi với cơ thể người được cấy ghép trong ít nhất 1 tháng hay không. Carmat hy vọng hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trên người vào cuối năm sau để được cung cấp sản phẩm này ra thị trường châu Âu vào đầu năm 2015. Chi phí dự kiến của mỗi quả tim nhân tạo là 140.000 - 180.000 euro (khoảng 4 - 5 tỷ đồng).

* Các nhà khoa học Mỹ vừa đảo ngược thành công quá trình lão hóa ở động vật. Trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học Cell, nhóm nghiên cứu ở Trường Y Harvard dùng một hóa chất gọi là NAD để làm trẻ hóa cơ bắp ở chuột và thu được kết quả tương đương việc chuyển hóa cơ bắp của người 60 tuổi thành người 20 tuổi. Tuy nhiên, sức mạnh của cơ không được cải thiện. Các nhà nghiên cứu khác gọi đây là “phát hiện thú vị”.

TRÚC QUỲNH
Theo Telegraph, BBC

Theo Báo giấy