Làm sao để trẻ không bị còi xương?

Tôi vừa sinh con nhỏ, người bạn khuyên thi thoảng bế con phơi nắng để cháu không bị còi xương, bởi tình trạng thiếu ánh sáng mặt trời ở trẻ em gây ra bệnh thiếu vitamin D tạo ra những rối loạn trong việc phát triển xương.

Làm thế nào để trẻ em không bị còi xương? Nếu trẻ bị còi xương cần có chế độ ăn uống, bổ sung dưỡng chất ra sao, thưa bác sĩ?

Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa calci và phospho. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo calci - phospho; Những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ. Nguồn cung cấp vitamin D từ 2 nguồn: Thức ăn có nhiều vitamin D như gan, lòng đỏ trứng gà, sữa. Hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ và sữa bò đều rất thấp (0-10 đơn vị/100ml). Nguồn vitamin D từ động vật dễ hấp thu hơn từ thực vật; Tổng hợp vitamin D ở da dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời: Đây là nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho cơ thể. Mỗi ngày cơ thể có thể tổng hợp được từ 50-100 đơn vị vitamin D, đủ thoả mãn nhu cầu sinh lý của cơ thể.

Do vậy, nguyên nhân dẫn đến còi xương ở trẻ em là do thiếu ánh sáng, hoặc do ăn uống không đầy đủ dẫn đến thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu calci ở ruột, ở thận gây nên bệnh còi xương. Dấu hiệu sớm của còi xương là trẻ ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, ra mồ hôi trộm về đêm, mảng tóc ở phía sau gáy và hai thái dương mọc rất thưa (dấu hiệu “bò liếm” hoặc “hói gáy”). Nếu thiếu vitamin D kéo dài, có thể làm chậm mọc răng và ảnh hưởng tới sự phát triển của xương. Khi bị còi xương trẻ ra nhiều mồ hôi nên dễ bị mất nhiệt và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Khi trẻ bị còi xương cần phải:

- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: Để lộ chân, tay, lưng, bụng trẻ để cho da các vùng này tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng lúc trước 9 giờ sáng. Thời gian tắm nắng tăng dần, những ngày đầu lúc đầu khoảng 10-15 phút, sau đó tăng dần tới 30 phút. Ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì rất ít tác dụng.

- Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Khi tắm nắng hoặc tắm điện tiền thân vitamin D sẽ được chuyển thành vitamin D giúp điều hòa chuyển hóa và hấp thu calci, phospho.

- Cho trẻ uống vitamin D 4000 đơn vị/ngày trong 4 - 8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000 - 10.000 đơn vị/ngày trong 1 tháng.

- Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có calci kết hợp với một số vitamin như: Calci B1 - B2 - B6: 1 - 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm calci 1 - 2 thìa cà phê/ngày.

- Cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều calci: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương. Do vậy, nên cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Để phòng chống bệnh còi xương, nên phối hợp các biện pháp sau:

- Đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ: Từ 5-6 tháng tuổi, trẻ cần được ăn bổ sung. Bữa ăn của trẻ cần có đủ thành phần theo “ô vuông dinh dưỡng”, chế biến thực phẩm phù hợp với lứa tuổi. Vitamin D có nhiều trong dầu cá, cá hồi, cá thu, lươn, lòng đỏ trứng, sữa. Calci có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Trong rau, các loại hạt đậu đỗ, thủy hải sản cũng chứa nhiều calci nhưng sự hấp thu calci từ thực vật kém hơn calci có trong sữa. Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ nhỏ, nhưng sữa mẹ lại có ít vitamin D. Do vậy, để đề phòng còi xương ở trẻ bú mẹ hoàn toàn cần phải thường xuyên cho trẻ tắm nắng và bổ sung vitamin D vào chế độ ăn.

- Tắm nắng: Hằng ngày cần cho trẻ tắm nắng 15-30 phút trước 9 giờ sáng, tốt nhất là vào buổi sáng sớm, để lộ từng phần cơ thể và cho tiếp xúc dưới ánh nắng trực tiếp. Tăng thời gian tắm nắng nếu trời nhiều mây. Một lượng lớn vitamin D được tổng hợp trong quá trình tắm nắng có tác dụng dự phòng bệnh còi xương rất hữu hiệu.

- Điều trị dự phòng: Hằng ngày cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông dưới dạng thuốc nhỏ giọt hoặc viên nang dầu cá. Sử dụng quá liều vitamin D và calci đều có hại, vì vậy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để có lời khuyên điều trị hợp lý nhất.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông
Nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội
Dược & Mỹ phẩm
Theo Đăng lại