Tiến sĩ Nichola Coleman, giảng viên cao cấp khoa Hóa học Vật liệu của Đại học Greenwich, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hiện nay, nhiều loại thủy tinh phế liệu đã được tái chế nhằm nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện trên thủy tinh không màu, còn chưa thể áp dụng tái chế với thủy tinh màu. Điều đó khiến lượng rác thải ngày một tăng...”.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trộn hỗn hợp gồm thủy tinh màu, vôi và natri hydroxit (còn gọi là soda ăn mòn). Tiếp đó, họ làm nóng cho hỗn hợp trên rồi cho vào một hộp kín làm bằng thép không gỉ. Hỗn hợp này chuyển hóa thành tobermorite, một loại khoáng chất có tác dụng tách các kim loại nặng ra khỏi nước ngầm hoặc nước thải.
Bà Nichola Coleman hy vọng, có thể cho chất tobermorite vào các thiết bị lọc để ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước sạch bị lây lan từ những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm trước đó.
“Nghiên cứu phần nào cho thấy công dụng của thủy tinh phế liệu, ít nhất nó cũng có ích. Dùng thủy tinh đã bỏ đi để làm sạch nguồn nước là điều chưa ai từng nghĩ tới” - các nhà khoa học Greenwich cho biết.
Kết quả nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí quốc tế về Quản lí Môi trường và Chất thải của Anh.
Gia Bảo
Theo Gizmag