Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam:

Lạm phát cao sẽ để 'di chứng' nặng nề

TP - Từ nhiều tháng trước, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã dự báo về khả năng lạm phát trong năm 2007 có thể sẽ lên đến hai con số. Khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2007 đã “leo” gần hai con số (9,45%), Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Ông Thiên nói:

Lạm phát có thể kiểm soát được, nhưng còn có những biến động nằm ngoài phạm vi khống chế, nên phải tính đến việc lạm phát tăng lên hai con số thì phải làm thế nào?

Hồi đầu năm,  kịch bản là lạm phát một con số. Vấn đề ở đây là nếu dự đoán được trước thì sẽ có những giải pháp, để nếu lạm phát đến mức nào đó, nên “thả” ra chứ đừng “kéo” xuống, nếu không lạm phát sẽ “lôi” chúng ta đi. Lúc ấy rất nguy hiểm vì không thể kiểm soát được.

Bây giờ đúng là có biến động như đã nói ở trên, lạm phát cao thì di chứng không phải cho năm nay mà di chứng nặng nề cho năm tiếp theo, sẽ xảy ra nhiều vấn đề liên quan làm cho đời sống bị ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng đến dân nghèo...

Lạm phát cao cũng sẽ phá vỡ cấu trúc giá thành. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh như thế nào đây, khi bắt đầu làm dự án thì dự kiến hết 10 tỷ đồng nhưng vì lạm phát nên lên đến 15 tỷ đồng, vậy là ách tắc hết cả...

Người tiêu dùng sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn do lạm phát

Thưa ông, vào khoảng tháng 8/2007, khi CPI bắt đầu tăng cao, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng, trong đó có việc giảm thuế nhập khẩu nhiều nhóm hàng. Theo tính toán việc giảm thuế có thể làm mất của ngân sách tới 3.000 tỷ đồng  nhưng sau khi hơi chững lại thì giá cả lại tiếp tục “leo thang”?

Có vô số biện pháp chống lạm phát nhưng không phải muốn dùng biện pháp nào cũng được, lúc nào dùng biện pháp gì, liều lượng ra sao, phối hợp thế nào, là cả một nghệ thuật.

Thông thường các nước ít dùng biện pháp giảm thuế để chống lạm phát, vì giảm thuế không nhất thiết sẽ đi đến giảm giá. Thuế là việc của Nhà nước, còn giá là việc của thị trường, của doanh nghiệp, hơn nữa hiệu ứng giảm thuế nhập khẩu thường có độ trễ.

Có những mặt hàng như xăng, thuế bằng không rồi (0%) thì giảm sao được nữa. Trong khi đó, tôi cho rằng, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng các giải pháp tiền tệ.

“Bơm” tiền ra để mà mua ngoại tệ là đúng, chúng ta đã mua vào đến 9 tỷ USD, nhưng các phương án để “hút” tiền về lại chưa được chú trọng, nên lượng tiền trong lưu thông rất nhiều, dẫn đến lạm phát cao.

Thực ra biện pháp giảm thuế thường là ít hiệu quả và  cũng thường sử dụng sau cùng.

Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng đã kết hợp nhiều công cụ điều hành chính sách tiền tệ như tăng dự trữ bắt buộc, điều hành thị trường mở, phát hành trái phiếu... để thu vào một lượng không nhỏ tiền đồng đã tung ra?

Vấn đề là phát hành trái phiếu được bao nhiêu? Vấn đề khác, công cụ quan trọng nhất để chống lạm phát là lãi suất. Để giảm lạm phát, bên cạnh việc dùng những công cụ của chính sách tiền tệ, có thể dùng cả công cụ của chính sách tài khoá.

Đối với những biện pháp tài khoá, thông thường các nước dùng biện pháp cắt giảm chi tiêu Chính phủ, tức là những biện pháp trong tầm tay của Nhà nước để giảm bớt tiền lưu thông. Đó là việc tiết kiệm chi phí của các cơ quan Nhà nước, là việc rà soát lại các hạng mục đầu tư... Những việc đó hầu như chưa làm bao nhiêu.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Chính phủ đang đề nghị một cách tính CPI mới, theo đó thay vì CPI cao như cách tính hiện hành thì cách tính mới sẽ làm cho CPI thấp hơn nhiều. Có ý kiến quan ngại đó chỉ là một cách “làm đẹp” con số, còn trên thực tế thì giá cả vẫn vậy, ông đánh giá thế nào về việc làm này?

Trước hết phải nói rằng cách tính CPI của chúng ta hiện không giống với thế giới. Chính vì vậy đã dẫn đến phán đoán sai lệch là tại sao một số nước cùng hoàn cảnh mà người ta giá thấp, mình giá cao? Là bởi vì cách tính khác nhau.

Nếu chúng ta có cùng cách tính của thế giới thì sẽ có chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp. Vấn đề này đã được đặt ra mấy năm nay, chứ không phải bây giờ lạm phát cao mới đặt vấn đề tính lại. Vấn đề đúng là như vậy chứ không phải “làm đẹp” hay “làm xấu”.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành
Thực hiện