Từ cuối tháng 10 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 2 nâng lãi suất điều hành, cuộc đua lãi suất huy động tại các nhà băng chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày càng có nhiều ngân hàng huy động vốn với mức lãi suất hơn 10%/năm như NamABank, NCB, VPBank... Tuy vậy, mức lãi này chỉ được áp dụng cho một số sản phẩm tiền gửi riêng biệt.
Mức lãi suất huy động của SCB, VietcapitalBank, BacABank, PVCombank, CakebyVPBank cũng được điều chỉnh lên mức 8-9%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Mức lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân đang bỏ xa nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Với kỳ hạn 1-2 tháng, 4 ngân hàng Big4 áp dụng lãi khoảng 4,9%/ năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 1% lên 5,4%/ năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng quanh mức 7/năm (gửi tại quầy hoặc online). Còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất khoảng 7,4%/ năm.
Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trở lại, sẽ tăng áp lực lên lãi suất đầu ra. Đến nay, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5%-1,2% so với đầu tháng 10. Hiện tại, lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân đã tăng lên mức tối thiểu 11,5-13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5-12%/năm tại khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Dù lãi suất huy động tăng nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, năm nay, huy động vốn tăng trưởng chậm, hiện tại, chỉ ở mức 4,6% so với đầu năm 2022.
Doanh nghiệp “điên đầu” trả lãi
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc hãng xe Đất Cảng Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp của ông vừa đầu tư hơn 40 ô tô con phục vụ vận tải. Theo đó, doanh nghiệp vay 70% trị giá xe tương đương mấy chục tỷ đồng. Hiện tại, lãi suất cho vay tăng hơn 11%/năm (mức tăng 1- 2% so với năm ngoái). Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp tăng thêm và lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. “Doanh nghiệp vận tải đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa phục hồi sau COVID-19. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối mặt với giá xăng tăng. Với xu hướng này, tôi nghĩ lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục tăng vào dịp cuối năm”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm, doanh nghiệp của ông vay được ngân hàng bởi không dính nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp vận tải khác không gượng dậy được sau COVID-19 sẽ không đủ điều kiện vay ngân hàng trong giai đoạn này. Hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn đang thanh lý không ít xe vận tải, du lịch của các doanh nghiệp cầm cố hoặc vay mua.
Còn giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp của ông vừa nhận được thông báo lãi suất cho vay tăng lên mức 12,9%/năm từ đầu tháng 10. Với khoản vay vài trăm tỷ đồng cho dự án, vị lãnh đạo này “đau đầu” với mỗi khi trả lãi cho ngân hàng. “Khi lãi suất tăng, người mua nhà sẽ chịu thiệt, bởi doanh nghiệp sẽ cộng vào giá thành. Thế nhưng hiện giờ, ngoài vấn đề tăng lãi suất, chủ đầu tư địa ốc đang đối mặt với vấn đề thanh khoản tụt giảm; mở bán không có khách mua. Chúng tôi cố gắng chiết khấu cho khách hàng và tặng kèm nhiều ưu đãi nhưng người mua nhà vẫn thờ ơ”, vị này nói.