Lại 'đẻ' thêm giấy phép con cho dự án chung cư?

TPO - Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất bổ sung “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư”. Đây là thủ tục mới, như “giấy phép con”, chồng chéo với thủ tục đã có và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia độc lập trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản - tại hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/5. Theo ông Đỉnh, với loại hình dự án nhà chung cư, Luật Xây dựng đã có quy định hết sức chặt chẽ để quản lý.

Ông Đỉnh lý giải, để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao căn hộ chung cư cho khách hàng, chủ đầu tư dự án phải có 2 loại “giấy phép” do cùng một cấp hành chính ban hành.

Cụ thể, với nhà chung cư cấp đặc biệt, cấp I, chủ đầu tư phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình và thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng).

Với nhà chung cư cấp II, cấp III, chủ đầu tư phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Sở Xây dựng và thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở.

“Cả 2 loại “giấy phép” đều do cùng một cơ quan ban hành nhưng theo 2 thủ tục hành chính khác nhau, quy định bởi 2 đạo luật khác nhau. Một thủ tục theo Luật Xây dựng, một thủ tục theo Luật Nhà ở. Vì vậy, không nên bổ sung quy định này”, ông Đỉnh kiến nghị.

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam - cho biết, Điều 57 quy định, giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. Ông Hiệp cho rằng, quy định như vậy hơi cứng. Bởi nhiều chủ đầu tư là công ty đầu tư bất động sản đều sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn.

“Ban soạn thảo cần cân nhắc có nên đưa ra thêm một nấc trung gian trong khi chúng ta đang cố gắng bớt các thủ tục trung gian để giảm chi phí”, ông Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Luật Nhà ở (sửa đổi) bao gồm 13 chương và 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành, giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.

Còn Luật Kinh doanh Bất động sản bao gồm 10 chương và 92 Điều. Hiện Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10.