Kinh tế VN hậu WTO: Cơ hội và thách thức

The Economist Intelligent Unit, Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, vừa đưa ra những phân tích, dự báo về cơ hội, thách thức cơ bản sau khi VN gia nhập WTO.
 Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo EIU, một trong những lợi ích lớn khi gia nhập WTO là hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên WTO sẽ chịu ít hơn các rào cản, bao gồm thuế quan thấp hơn, Mỹ và EU cũng dỡ bỏ cô-ta đối với hàng dệt may (chiếm khoảng 15% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam).

Điều này quan trọng không chỉ vì dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau dầu thô. Vấn đề là ở chỗ điều này sẽ giúp Việt Nam có chỗ đứng bình đẳng với các thành viên WTO khác, những nước đã được hưởng cơ chế miễn cô-ta từ năm 2005.

Một lợi ích cơ bản khác của việc gia nhập WTO là gia tăng niềm tin. Các nhà đầu tư nước ngoài như Intel (Mỹ) chứng tỏ họ đang gia tăng sự tin tưởng vào Việt Nam khi nước này gia nhập WTO. Các Cty nước ngoài cam kết đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2006, tăng 41,4% so với năm trước. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục với việc các Cty nước ngoài đang xem Việt Nam là điểm an toàn để đầu tư.

Cũng theo EIU, các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam - điều kiện để gia nhập WTO – sẽ là yếu tố thu hút hơn nữa các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở nền kinh tế đang bùng nổ này. Một điều quan trọng không kém khác là các cải cách của Việt Nam đã có ảnh hưởng trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO.

Những đạo luật mới về đầu tư và doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2006 cung cấp cùng một hệ thống luật lệ cho các Cty trong, ngoài nước và tạo cơ sở để khuyến khích, bảo vệ cho tất cả các hình thức đầu tư. Theo WTO, Việt Nam cũng thay đổi để có sự hài hòa trong luật lệ về quyền kinh doanh, vì vậy các thủ tục đăng ký đều giống nhau đối với thương gia trong ngoài nước.

Việc chuẩn bị gia nhập WTO và các cam kết sau khi gia nhập cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa công cuộc cải tổ…

Thách thức

Theo EIU, vào WTO không phải là liều thuốc tiên với nền kinh tế Việt Nam. Các cam kết để đảm bảo gia nhập WTO sẽ khiến một số ngành công nghiệp trong nước gặp khó khăn khi trợ cấp bị dỡ bỏ và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài giảm.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ hàng hóa Việt Nam sẽ bất lợi trước sự cạnh tranh của nước ngoài. Việt Nam vẫn duy trì quyền giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số trường hợp của ngành dịch vụ.

Ví dụ để có thể giúp nông dân đương đầu với việc xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, Việt Nam vẫn duy trì điều được WTO gọi là “sự hỗ trợ về bóp méo thương mại”. Mặt khác, một số sản phẩm – trứng, thuốc lá, đường và muối- sẽ được bảo hộ từng phần thông qua cô-ta, thuế nhập khẩu cao…

Ngành sản xuất và cung cấp dịch vụ ở Việt Nam sẽ đối mặt với những thử thách mới. Đặc biệt, việc tiếp cận tốt hơn với thị trường toàn cầu sẽ không bảo đảm rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh như những năm gần đây. Một vấn đề đáng quan tâm là thương mại với Mỹ.

Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) có hiệu lực từ cuối năm 2001 giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bùng nổ. Năm 2005, Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 6,6 tỷ USD từ Việt Nam, gấp 6 lần năm 2001.

Sự gia tăng này có thể không được duy trì và sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Về trung hạn, khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái vào năm tới có thể ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam ngay sau khi gia nhập WTO.