Kinh tế ĐBSCL: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan

TPO - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biến động thị trường làm thay đổi xu thế tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Để phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung thì việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu.

Ngày 16/11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần thứ 2 với chủ đề Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển. Tham dự có ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Tháp; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan sản phẩm khởi nghiệp.

Chuyển đổi xanh ưu tiên hàng đầu

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biến động thị trường làm thay đổi xu thế tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Để phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung thì việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh những thách thức, với những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng về việc mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ; những ưu tiên đầu tư mới về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, chương trình mới trong nông nghiệp ở ĐBSCL là cơ hội rất lớn để tạo việc làm và đặc biệt có nhiều cơ hội thúc đẩy khởi nghiệp.

Các lĩnh vực về nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái đều là những lĩnh vực rất tiềm năng cho khởi nghiệp ĐBSCL trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, diễn đàn lần này sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư.

“Những nội dung, hoạt động của diễn đàn lần II giúp các startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới”, ông Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham quan sản phẩm lụa sen của thanh niên Đồng Tháp sản xuất.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đánh giá, diễn đàn đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.

Song song đó, thông qua các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh - tuần hoàn và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh.

“Thông qua diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan sản phẩm khởi nghiệp.

Tạo mô hình khởi nghiệp kinh tế xanh

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị mới trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Khoa học và Công nghệ vui mừng vì người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang “tiên phong - sóng tạo - dám nghĩ - dám làm” để tạo dựng được những mô hình khởi nghiệp theo định hướng kinh tế xanh để xây dựng quê hương, tận dụng tốt nguồn lực và thị trường địa phương.

Để những sáng kiến, giải pháp, của Diễn đàn có cơ hội hiện thức hóa và tiếp tục thúc đẩy nhiều mô hình giá trị, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị, các mô hình đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh sẽ cần các không gian mới cả về mặt pháp lý và thực thi.

Ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, bền vững sẽ gắn với yêu cầu liên tục phải cập nhật, nâng cao nhận thức về các xu hướng, quy định, mô hình mới, không chỉ ở góc độ kinh tế mà ở cả các khía cạnh quản trị địa phương, đầu tư hạ tầng thiết yếu lẫn hạ tầng công nghệ, đặc biệt là các xu hướng quản trị dựa trên dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, các công nghệ xanh .

Ngoài ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các tỉnh ĐBSCL được các tỉnh rất nỗ lực phát triển trong các năm qua, nhưng đứng trước các bài toán mới, khó, thách thức như câu chuyện phát triển kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu.... thì những gì đã làm là chưa đủ, rất cần nghĩ tới các mô hình có khả năng cộng hợp nỗ lực và năng lực của các bên chặt chẽ hơn.