Theo thông tin của PV Tiền Phong có được, trong số các đơn vị bị kiểm tra, tình trạng vi phạm về dự trữ xăng dầu, nhập khẩu xăng dầu và không có đủ hệ thống đại lý, tổng đại lý theo quy định là rất phổ biến và cũng là những vi phạm nặng nhất, đe dọa việc đảm bảo nguồn cung và an ninh năng lượng của quốc gia. Chính việc doanh nghiệp (DN) đầu mối không duy trì dự trữ theo quy định, cộng với việc kinh doanh thua lỗ, DN được chậm điều chỉnh kịp thời các chi phí… là nguồn cơn của việc đứt gãy nguồn cung trong cuối năm 2022 tại nhiều tỉnh thành.
Trong số các DN có vi phạm bị phát hiện, đáng chú ý là trường hợp Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Công ty SATRA) bị phát hiện không nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; không mua từ nguồn nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước. Là đầu mối nhưng Công ty SATRA chỉ mua trực tiếp 2 triệu lít dầu DO 0,05S-II của Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và bán lại cho Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ. Cùng với đó, Công ty SATRA không phân phối xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu, đồng sở hữu của Công ty SATRA và việc giao đại lý, không thực hiện bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác và các đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp khác.
Bộ Công Thương vừa có công điện số 8544/CĐ-BCT gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) dừng tạm thời phân xưởng RFCC để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC. Theo đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của nhà máy có thể sẽ bị giảm khoảng 20% đến 25% so với kế hoạch.
Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) tăng công suất ở mức tối đa có thể, đồng thời sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp tối đa lượng thiếu hụt cho các khách hàng.
Thục Quyên
Trong 3 hành vi vi phạm của công ty này, lực lượng chức năng của Bộ Công Thương cũng lưu ý việc công ty đã không đảm bảo mức dự trữ xăng dầu tối thiểu theo quy định. Cùng với đó, DN không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Những lỗi nặng này DN có thể bị xem xét thu hồi giấy phép.
Công ty Cổ phần Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S (Công ty STS), do ông Lê Trọng Hiếu làm Giám đốc, cũng là trường hợp bị phát hiện có vi phạm khi công ty không xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; chuyển khẩu xăng dầu. Công ty này cũng bị phát hiện vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP sửa đổi khi duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định và không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Mắc lỗi tương tự còn có Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội khi năm 2021 không nhập khẩu xăng dầu, nhập một lượng thấp hơn hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Công ty này cũng không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Tồn kho xăng các loại ở các tháng 1, 3, 4, 5, 7, 9, 10, 12 năm 2021 của công ty này đều thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 3.847m3...
Được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 46 từ cuối năm 2020 nhưng Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức (Công ty Hồng Đức) cũng bị phát hiện các lỗi vi phạm như trường hợp hai DN trên. Đáng chú ý, lực lượng chức năng của Bộ Công Thương còn phát hiện Công ty Hồng Đức kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.
Công ty TNHH xăng dầu Vĩnh Long Petro thì mắc lỗi “Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định”.
Cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm
Trong kết luận gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về hoạt động của 11 doanh nghiệp đầu mối, đoàn Thanh tra của Bộ này cũng có các báo cáo chi tiết về tình trạng DN đầu mối ký hợp đồng đại lý xăng dầu với đơn vị không đủ điều kiện. Cùng đó, một số đầu mối tại một số thời điểm chưa đảm bảo được hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95. Tình trạng không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định cũng diễn ra khá phổ biến với các đầu mối. Hành vi bán ngược xăng dầu cho DN đầu mối cũng được phát hiện với nhiều DN.
Cũng theo đánh giá của đoàn thanh tra, qua kết quả báo cáo của các DN đầu mối hàng năm cho thấy, các báo cáo gửi về đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống phân phối theo quy định. Tuy nhiên, một số vụ, cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý đã chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này. Cùng đó, có sự chậm trễ trong việc phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.
“Qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, Đoàn kiểm tra do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”, Kết luận thanh tra nêu rõ.
Một lỗ hổng cũng được lực lượng chức năng chỉ rõ là việc thiếu công khai thông tin, thiếu cổng thông tin tra cứu thông tin. Hiện chưa có cơ chế và công cụ để công khai, minh bạch thông tin của các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc để làm cơ sở tra cứu cũng như rà soát, kiểm tra, giám sát nên gây khó khăn trong công tác quản lý của Nhà nước cũng như trong việc tổ chức thực hiện.