Kìm nợ xấu là 'ôm bom nổ chậm'
> 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
> Ngân hàng rủ nhau 'mắc võng' canh khách hàng
Cùng với việc hạ các mức lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đang bật đèn xanh để các ngân hàng thương mại dùng những biện pháp có thể nhằm đẩy tín dụng khỏi thế bế tắc.
Chưa biết tín dụng sẽ được khơi thông đến đâu, nhưng ẩn họa nợ xấu thì có thể lường thấy. Đó là chưa kể, ứng phó với bom nổ chậm nợ xấu trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản.
Thanh khoản chưa thực sự tốt
Đến sáng ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chính thức công bố hạ thêm 1 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành. Đã dự liệu trước điều này nên thị trường không mấy bất ngờ. Theo Quyết định số 1073/QĐ - NHNN ngày 10/5/2013 của NHNN, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 8 xuống 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 6 xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 9 xuống còn 8%/năm.
Cùng với quyết định này, NHNN ra Thông tư 10/2013/TT - NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm... Điểm gây chú ý nhất trong động thái của NHNN là không hạ trần lãi suất huy động.
Có thể hiểu động thái trên của NHNN như sau: Thứ nhất, việc giảm các mức lãi suất điều hành là nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng hệ số sử dụng vốn, giảm chi phí để từ đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nhưng mức giảm 1 điểm phần trăm thực sự chỉ mang tính... động viên, vì đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng trung ương sử dụng công cụ này và những lần trước công cụ này không mấy tác động đến co giãn của cầu tín dụng. Thực tế, không chờ NHNN, các ngân hàng thương mại lớn, cùng với việc giảm lãi suất huy động, họ cũng đã giảm lãi suất cho vay.
Mức lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường hiện nay đã được công bố ở mức 7,77%/năm, thậm chí dưới 7%/năm, nhưng chỉ áp dụng có thời hạn và không phải tất cả khách hàng đều được ưu đãi. Còn mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến nhất của các tổ chức tín dụng vẫn ở mức 12 đến 15%/năm; trung và dài hạn là 14 -16%/năm. Ông Nguyễn Đồng Tiến, phó Thống đốc NHNN cho rằng, với việc giảm lãi suất điều hành lần này, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay về mức 13%/năm.
Thực tế, rất khó để đưa ra một mức lãi suất cho vay phổ biến cho thời gian tới. Vì, thứ nhất: mức lãi suất đầu vào bắt đầu có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi những “ông lớn” có nguồn vốn ổn định, thanh khoản tốt đã hạ lãi suất huy động mạnh, chẳng hạn như BIDV, Vietcombank hay Agribank thì tới đây họ sẽ hạ mạnh lãi suất cho vay. Thế nhưng, phần còn lại không dư giả thanh khoản như vậy. Trên thị trường vẫn có ngân hàng thương mại thiếu hụt thanh khoản nên vẫn có một số ngân hàng vượt rào quy định lãi suất huy động ngắn hạn tối đa 7,5%/năm của NHNN. NHNN cũng phải thừa nhận, việc chưa bỏ trần lãi suất huy động chính là do lo ngại những ngân hàng thiếu hụt thanh khoản sẽ đẩy lãi suất huy động lên cao, phá vỡ mặt bằng chung đang dần giảm hiện nay.
Nhưng các ngân hàng này cũng không dám mạo hiểm áp dụng mức lãi suất huy động cao đối với kỳ hạn dài. Vì nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục đà giảm, huy động lãi suất cao kỳ hạn dài là khá rủi ro. Như vậy, đường cong lãi suất vẫn chưa thể về đúng quy luật: kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Khi bóng ma lạm phát vẫn còn rình rập thì rất khó để các ngân hàng hạ tiếp lãi suất huy động.
Nên nhớ, mức lãi suất huy động hiện nay đang tương đương với thời kỳ 2004 - 2005. Nhưng chính những năm đó lại là năm lạm phát vượt dự kiến, lên đến gần 2 con số. Cho dù mức lạm phát hiện đang thấp, nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề như: hàng tồn kho tiếp tục tăng, doanh nghiệp phá sản nhiều, thất nghiệp tăng, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh... Không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Vì thế, sự thận trọng của NHNN là có thể hiểu được. Thứ hai, chúng ta sẽ có cơ hội nhận diện rõ hơn bức tranh tổng thể của ngành ngân hàng khi họ tự phân nhóm rõ hơn qua việc giảm lãi suất, kể cả cho vay và huy động.
Kìm nén nợ xấu là ôm bom nổ chậm
Cùng với lãi suất, vấn đề nợ xấu tiếp tục là nguyên nhân chính gây ách tắc tín dụng. Chính vì thế, một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn đã cùng lên tiếng về việc NHNN nên hoãn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/6/2013) quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng. Trước đó, NHNN đã ra thông báo tiếp tục đánh giá tác động của Quyết định số 780/QĐ-NHNN ra hồi tháng 4 năm ngoái của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và Thông tư 02.
Như vậy có thể thấy, NHNN đang dọn đường dư luận trước khi có quyết định chính thức về lộ trình áp dụng Thông tư 02 Tại sao như vậy? Khi ban hành, Thông tư 02 được coi là một rào cản ngăn ngừa nợ xấu. Vì, so với quy định hiện hành về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ban hành từ năm 2005 và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ban hành năm 2007), Thông tư 02 có một số thay đổi quan trọng. Đó là, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro cả các khoản mua và ủy thác mua trái phiếu chưa niêm yết; tiền gửi liên ngân hàng (trừ tiền gửi thanh toán) và cả khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng. Việc đưa thêm đối tượng vào diện trích lập dự phòng khiến các ngân hàng mất thêm chi phí do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Không những thế, Thông tư 02 còn có những yêu cầu khắt khe hơn về phân loại nợ.
Một khoản nợ, nếu phân loại theo Quyết định 493 thì có thể ở nhóm 2, nhưng với Thông tư 02 có thể sẽ ở nhóm 3. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho món nợ này. bên cạnh việc làm tăng chi phí của ngân hàng, tăng nợ xấu, việc áp dụng Thông tư 02 còn khiến không ít khách hàng đang từ đủ điều kiện vay vốn (không có nợ xấu) thành không đủ điều kiện. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, khiến cho dù rất muốn ngăn ngừa nợ xấu, nhưng trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay, tín dụng không tăng trưởng được, nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp chết dần… thì cơ quan quản lý ngân hàng đành phải “nới” tay.
Thế nhưng, tái cơ cấu là yêu cầu bắt buộc đối với ngành ngân hàng. Vì thế, việc dừng hẳn, không áp dụng Thông tư 02 là không thể.
Theo Doanh Nhân