Kim Dung khai mở một con đường cho tiểu thuyết kiếm hiệp Hoa ngữ

TPO - Nhà văn Kim Dung ra đi để lại sự tiếc thương to lớn không chỉ giới văn nghệ sĩ Trung Quốc mà cả ở Việt Nam.
 

Nhà văn Nguyễn Một: 

Là tín đồ của Kim Dung, tôi đọc ông từ năm 12 tuổi, đọc từ Thiên Long bát bộ đến Việt nữ kiếm không bỏ sót chữ nào! Mặc cho ông tự nhận chỉ là “Á văn học”, mặc cho nhiều nhà phê bình chê trách, nhưng tôi khâm phục trí sáng tạo của ông. Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của ông giúp tôi vượt những đêm dài mất ngủ do xót ruột vì sắn khoai trong thời cơ cực! 

 

Nhà văn trẻ Khánh Liên:

Nghe tin nhà văn Kim Dung mất, mình thấy thật bồi hồi. Những tác phẩm của nhà văn Kim Dung đồ sộ và được nhiều thế hệ ở Việt Nam yêu thích, đến nỗi nhắc tới Kim Dung là nhắc tới truyện kiếm hiệp và ngược lại.
Mình không có duyên đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung mà chỉ coi film. Nhớ thời sinh viên, đi trực trường leo lên phòng kí túc xá có ti vi để xem "Tiếu ngạo giang hồ". Trong một tác phẩm hỉ nộ ái ố đủ cả. Người đạo mạo lại là kẻ tham vọng quyền lực, độc tài. Con gái của kẻ ác và kẻ anh hùng (đại diện cho cái thiện) lại yêu nhau, rung cảm với nhau qua một điệu đàn. Và kết thúc tác phẩm vừa như khán giả dự đoán vừa không như dự đoán. Cái thiện đánh bại cái ác (dù cái ác siêu mạnh). Nhưng người đánh bại đó lại không ở lại làm bá chủ võ lâm mới với bao nhiêu quyền lực, tranh giành, thị phi mà chỉ đi "tiếu ngạo giang hồ" cùng người đẹp tri kỉ. Từ bỏ quyền lực nhỏ mọn đã khó, từ bỏ quyền lực "bá chủ" càng khó hơn. Bao nhiêu người đã chết vì tranh ngôi "bá chủ". Nhưng anh hùng đích thực đã bỏ và vì vậy mới đích thực anh hùng.
Giấc mộng "tiếu ngạo giang hồ" có trong bao nhiêu người? Và bao nhiêu người thực hiện được giấc mộng ấy?

Vĩnh biệt nhà văn kiếm hiệp Kim Dung!

Đạo diễn cải lương- Nhà báo Thanh Hiệp 

Những ai yêu thích phim kiếm hiệp thì đều biểt đến danh tiếng của ông. Những tiểu thuyết được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm điện ảnh, chương trình phát thanh cho đến trò chơi điện tử, tạo ra một làn sóng văn hóa đặc trưng của Hong Kong trong nhiều thập niên.

Đối với sân khấu cải lương Việt Nam, tác phẩm của ông còn là chất liệu sinh động để sáng tạo. Và những vở tuồng của Hà Triều, Hoa Phượng. Mộng Vân, Yên Lang, Yên Ba, Nguyên Thảo... ít nhiều ảnh hưởng từ tác phẩm của ông. Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"... gần như đã được dựa theo để sáng tác, chuyển thể cải lương. 
Vĩnh biệt ông - người đã tạo nét đặc trưng trong giải trí với tác phẩm văn chương đồ sộ ảnh hưởng đến những người mến mộ, trong đó có khán thính giả cải lương và bản thân tôi vô cùng yêu quý tác phẩm của ông!

 

Phó GS-TS Trần Lê Hoa Tranh- Trưởng bộ môn Văn học nước ngoài Đại học KHXH-NV TPHCM 

Cách đây khoảng 10 năm, có một thời gian tôi bị một sang chấn tâm lý nhỏ, tôi đã đọc lại toàn bộ truyện Kim Dung, kể cả những bộ kiếm hiệp nhỏ, ngắn lúc mới sáng tác của ông. Lúc đó, tôi mới dần dần chiêm nghiệm thêm những giá trị triết lý, văn hóa, triết học mà Kim Dung mang lại.

Tôi mới nhận thấy rằng, ông thật sự vĩ đại ở chỗ đã khai mở một con đường cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, đã phát quang cho nó một đại lộ mà ở cả hai phía tiếp nhận đại chúng và hàn lâm đều có thể song hành. Độc giả bình dân đọc Kim Dung kiểu khác, độc giả bác học đọc Kim Dung kiểu khác, chẳng vô cớ mà Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Đông Thức… đều yêu thích, tôn sùng Kim Dung.

Sau năm 1975 ở Việt Nam, có một số phê bình cho rằng truyện Kim Dung đề cao tinh thần Đại Hán, nhưng nếu khảo sát các nhân vật chính thì tôi thấy hầu như không có. Nhân vật tôi yêu thích nhất là Tiêu Phong thì là loại nhân vật “dual identity”(lưỡng dạng) rồi, Tiêu Phong còn không biết/không muốn mình là người Khiết Đan hay người Hán. Trương Vô Kỵ thì yêu thích bình an, không thích đánh nhau, yêu cả con gái của quốc gia đối nghịch (Mông Cổ), Lệnh Hồ Xung cũng yêu con gái tà phái (Doanh Doanh), Vi Tiểu Bảo thì kiểu gì cũng được: công chúa đương triều (Kiến Ninh), công chúa cựu triều (A Ó), thậm chí nước ngoài cũng thích luôn (công chúa Nga La Tư)… Nghĩa là đối với các nhân vật này, hay nói cách khác là với chính Kim Dung, quốc tịch nào không quan trọng, người nước nào cũng không quan trọng, quan trọng là bản chất con người, là hành xử mà họ thể hiện mà thôi.

Càng đọc Kim Dung, càng thấm thía những tư tưởng triết học mà ông gửi gắm. Đó là chưa nói kho tàng văn hóa như võ học, tửu đạo, thi ca, hoa cỏ, trà đạo… mà nhiều nhà nghiên cứu đã bàn đến.