Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (14/12), ông Trần Thế Cương cho biết, trong 10 năm qua, quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học thành phố Hà Nội và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên.
Số lượng học sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 hằng năm tại địa phương tăng rất nhanh, trung bình mỗi năm phải xây 35-40 trường học mới đáp ứng yêu cầu. Trong năm học 2023-2024, học sinh lớp 1 tăng 7.000 em; học sinh lớp 6 tăng 58.000 em. Xây mới, sửa chữa trường học đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh là một trong những quyết tâm của TP.
Bên cạnh đó, địa phương cũng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cấp kinh phí cho một số cán bộ quản lý và giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn ngân sách của Thành phố…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất, kiến nghị Trung ương, các Bộ, ngành nhiều nội dung. Trong đó, Hà Nội kiến nghị bổ sung việc, đến nay chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết 29, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
“Về nội dung này, thành phố Hà Nội trân trọng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết 29. Để nhà giáo thực sự được sống bằng lương, yên tâm với nghề”, ông Cương nói. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường CĐ và trường ĐH ra khỏi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng máy móc mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học được nâng lên.
Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên từ 39% đến 62% là bước nhảy vọt về chất lượng lao động. Tuy nhiên, địa phương vẫn gặp khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời. Toàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1029 giáo viên so với định mức quy định.
Do đó, trong kiến nghị, ông Huyên đề nghị giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề...
Đối mặt nhiều thách thức
Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 cho thấy, giáo dục và đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục như: một số nơi triển khai mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...
Lắng nghe ý kiến của các địa phương về quá trình triển khai, kết quả đạt được cũng như thách thức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều... Do đó, để đạt được kết quả tốt cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương".
"Qua đánh giá các tỉnh/thành phố cho thấy, nơi nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, ở đó sự đổi mới đạt được kết quả rất cao. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng đổi mới rất tốt. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối”, Bộ trưởng Sơn nói.
Việc tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh nhiều nội dung vẫn đang triển khai, và ngay cả việc vừa hoàn thành cũng phải nhiều năm sau mới có thể thấy đầy đủ giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó. Bởi giáo dục là con người cho nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung quan trọng về việc kiên trì định hướng đổi mới. Trong bối cảnh mới, giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều. Trong đó, phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện, thực sự con người đang đứng trước thách thức mới để phát triển.
Ngoài ra, giáo dục còn có những thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực khi những yêu cầu về năng lực, kỹ năng mới xuất hiện. Số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên và yêu cầu về sự phát triển rất nhiều ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước..
Một vấn đề cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập đó là, khi nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn nhưng đứng trước việc phân hoá giàu - nghèo lớn thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng.
Hay thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số. Những vấn đề phải ứng xử với hệ giá trị, cả giá trị thực và giá trị ảo. "Chúng ta thường nói tới bệnh thành tích nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, vấn đề của giá trị ảo, đối mặt với vấn đề phi truyền thống", Tư lệnh ngành nói.
Bộ trưởng cho biết, trong đề xuất với Bộ Chính trị, sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới.