Đó là những quy định mới nhất được Bộ Xây dựng bổ sung trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến góp ý các đại biểu Quốc hội.
Trong tờ trình dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa gửi tới Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua đã nhận được góp ý của các đại biểu Quốc hội liên quan tới nhiều vấn đề lớn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về vấn đề về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức người nước ngoài, có đại biểu Quốc hội kiến nghị chỉ nên quy định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu và Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ thống nhất quy định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất và bổ sung quy định người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà ở 1 lần.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung quy định trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sau đó bán lại cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người mua được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý - cho rằng, với các trường hợp dự án khi bán cho cá nhân nước ngoài mà đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản và cá nhân nước ngoài đáp ứng đầy đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cá nhân nước ngoài cần phải được cấp giấy chứng nhận.
“Việc dự thảo không quy định quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài sẽ dẫn tới kéo dài các vướng mắc của Luật Đất đai 2013 và mâu thuẫn với Luật Nhà ở 2014. Cụ thể: Người mua nhà ở hợp pháp là cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật không được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, trong khi đó các người mua khác như người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dẫn đến không thu hút được một nhóm đối tượng khách hàng lớn, có thể là nhân lực trình độ cao đến mua nhà và định cư ở Việt Nam. Điều đó dẫn đến không khuyến khích, thực hiện được chính sách bán nhà ở cho người nước ngoài như quy định tại Luật Nhà ở 2014 (tiếp tục trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi)”, ông Đỉnh nhận định.
Theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, những đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật cũng đề cập người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua một trong các hình thức sau: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định, người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được mua nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Còn theo Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay gọi là mua đất) tại Việt Nam.