Trong bản kiến nghị, Hiệp hội đánh giá, kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”.
Với kết quả này, có thể trên thực tế vẫn không gây khó cho các trường ĐH thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương, sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.
Ngoài ra, nếu vẫn quy định “điểm sàn chung” cho cả nước thì dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn có nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh (có số dôi dư) nhưng như mọi năm, do sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, nhiều thí sinh cũng khó di chuyển từ vùng này đến vùng khác để học tập, vẫn sẽ có nơi thừa nguồn tuyển, nơi lại cạn kiệt. Các địa phương khó khăn vẫn ít người được vào đại học, làm trở ngại việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng đó.
Hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét một trong hai phương án:
Phương án 1: Giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ GD&ĐT duyệt.
Phương án 2: Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.