Sáng 15/5, ông Võ Xuân Dương, Chánh văn phòng UBND huyện Cư Jút cho biết, đã nhận được văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị huyện kiểm tra, xác minh nội dung “Dân ngạt thở vì 60 trại chăn nuôi trong thôn” của báo Tiền Phong phản ánh. UBND huyện Cư Jút đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý.
Đại diện Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông) cũng cho hay, đang rà soát, kiểm tra toàn bộ các trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư Jút để báo cáo UBND tỉnh và phản hồi thông tin cho báo Tiền Phong.
Đầu tuần tới, đơn vị này sẽ cùng cơ quan chuyên môn của huyện Cư Jút kiểm tra thực tế các trại chăn nuôi tại những khu vực báo phản ánh.
Trước đó, ngày 6/5, Tiền Phong có bài “Dân ngạt thở vì 60 trại chăn nuôi trong thôn” phản ánh nội dung chỉ 1 thôn Nam Tiến (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) có tới 46 trại nuôi heo (lợn), 17 trại nuôi gà quy mô lớn, chưa kể nhiều trại khác đang được gấp rút thi công. Người dân “kêu trời” vì không chịu được mùi hôi thối, có hộ phải bán nhà, bán rẫy đi nơi khác.
Hầu hết các trại chăn nuôi heo có quy mô lên đến nghìn con, tạo ra mùi hôi nồng nặc khiến người dân phải “tháo chạy”. Tuy nhiên, chính quyền xã Ea Pô lại khẳng định chưa nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên...
Một người dân ở thôn Nam Tiến (xã Ea Pô) ở gần 4 trại chăn nuôi heo tiết lộ chiêu thức xả nước thải của các chủ trại heo như sau: Chủ trại thường đào các ao phía sau trại để chứa nước thải. Những ao này không được che chắn nên mùi hôi cứ nồng nặc. Chờ khi mưa đến, họ “té nước theo mưa”, chất thải cứ thế trôi xuống kênh mương, suối.
Về phía huyện Cư Jút, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được giao quản lý các trại chăn nuôi trên địa bàn) cho hay, hằng năm đều tham mưu UBND huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi nên việc kiểm tra ít hơn. Phòng có nhận được phản ánh của người dân về việc mùi hôi phát ra từ các trại heo, tuy nhiên, rất khó xử lý vấn đề mùi hôi.