Kiểm tra chặt nho, khoai tây Trung Quốc
> Đưa nho, khoai tây Trung Quốc vào danh sách ‘đen’
Kể từ tháng 9-2012, hai mặt hàng nho và khoai tây từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng Việt Nam đưa vào danh sách áp dụng hình thức “kiểm tra chặt”.
Trước thời điểm áp dụng lệnh này, theo ghi nhận của chúng tôi tại TP.HCM, nho Trung Quốc vẫn xuất hiện rất nhiều tại các chợ, sạp trái cây với giá cắt cổ, trong khi khoai tây chiếm số lượng không nhiều.
Nho Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam
Chiều 30-8, tại tất cả sạp trái cây bên hông chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) bày bán rất nhiều loại nho có xuất xứ Trung Quốc. Anh Thọ, chủ một sạp trái cây tại đây, cho biết mỗi ngày có thể bán 20-30kg, còn những ngày cao điểm cúng lễ có thể lên tới 50-60kg/ngày. Hiện giá loại nho trên được các chủ sạp khu vực này rao với khách ở mức 120.000-130.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, một số chủ sạp lại cố tình giới thiệu là nho... Mỹ để thuyết phục khách mua. Tại một sạp bán trái cây ở chợ Phạm Văn Hai, khi nghe chị Lê Thị Tuyết (đường Tân Canh, Q.Tân Bình) thắc mắc giá nho quá cao, chủ sạp này thản nhiên cho biết đây là nho... Mỹ, đồng thời khẳng định chắc nịch rằng nho Mỹ giá phải cao, còn nho Trung Quốc có rẻ cũng không bán!
Không riêng gì khu vực này, tại một số chợ tự phát nằm trên đường Trường Chinh (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) nho Trung Quốc vẫn xuất hiện nhan nhản tại các quầy sạp, nhiều tiểu thương hiện chào bán nho Trung Quốc với giá 90.000-110.000 đồng/kg “tùy chất lượng” - bà Lê Thị Loan, một tiểu thương, nói.
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết hiện mỗi ngày có khoảng 100 tấn nho Trung Quốc được nhập vào chợ. Theo bà Hà, số lượng nho Trung Quốc về nhiều vào thời điểm này là do Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch nên họ tranh thủ đẩy hàng đi các nước với giá rẻ, số lượng nhiều. Việc thương lái nhập về nhiều cũng xuất phát từ nguyên nhân loại nho này vẫn còn tiêu thụ được trên thị trường.
Đối với mặt hàng khoai tây có xuất xứ Trung Quốc, bà Hà cho biết hiện số lượng về khá ít và chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng hàng Trung Quốc nhập về chợ. Tại các chợ trên địa bàn, khi được hỏi về mặt hàng khoai tây, các tiểu thương đều cho biết đã không còn bán vì không tiêu thụ được.
Bà Hoàn, tiểu thương chợ Tân Định (Q.1), cho biết: “Người dân chủ yếu xài hàng khoai tây Đà Lạt nên không ai còn bán hàng Trung Quốc nữa”. Theo ghi nhận, hiện giá khoai tây Đà Lạt đang ở mức 40.000 đồng/kg, trong khi tại chợ đầu mối giá khoai tây Trung Quốc chỉ hơn 10.000 đồng/kg.
Kiểm tra chặt là việc bình thường
Chiều 30-8, ông Hoàng Trung - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - thừa nhận việc áp dụng biện pháp “kiểm tra chặt” đối với hai mặt hàng nho và khoai tây Trung Quốc, đồng thời khẳng định đây là việc bình thường đối với các loại nông sản nhập vào Việt Nam bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước đó, trong tháng 7-2012, khi kiểm tra ngẫu nhiên, các cơ quan hữu quan Việt Nam phát hiện có hai mẫu nho nhập vào Lào Cai, và một mẫu khoai tây nhập về TP.HCM (có xuất xứ Trung Quốc) đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép 3-5 lần.
Theo ông Trung, thông tư 13 (do Bộ NN&PTNT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) quy định rõ bất cứ hàng hóa nông sản nào khi nhập vào Việt Nam cũng được áp dụng hình thức “kiểm tra thông thường”, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu và lô hàng vẫn được phép làm thủ tục thông quan, không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu phát hiện có mẫu vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng “kiểm tra chặt”, và buộc tái xuất đối với lô hàng bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm.
Hình thức kiểm tra chặt sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện một lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.
Tần suất kiểm tra sẽ tăng lên tuyệt đối 100% nếu phát hiện hai lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, trong trường hợp này, chủ hàng phải tự bảo quản hàng hóa và chỉ được thông quan khi có chứng nhận về an toàn thực phẩm do cơ quan kiểm tra cấp hoặc được cơ quan kiểm tra cho phép.
Đặc biệt, theo ông Trung, khi áp dụng kiểm tra chặt với tần suất 100% thì cơ quan chức năng Việt Nam sẽ thông báo và phối hợp với cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu để thực hiện kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục.
Ông Trung cũng khẳng định sẽ tạm thời đình chỉ việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam nếu cơ sở sản xuất hàng nông sản xuất khẩu có từ ba lô hàng kiểm tra trong vòng sáu tháng bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm; kết quả kiểm tra của nước xuất khẩu (sau khi được cơ quan chức năng Việt Nam thông báo) cho thấy cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm...
Tăng cường kiểm soát chất lượng giá đỗ, rau mầm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh giá đỗ và rau mầm tại địa phương.
Đặc biệt, ông Phát đề nghị các địa phương quản lý chặt việc kinh doanh, sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hòa sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ, rau mầm, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền sâu rộng cho các cơ sở sản xuất giá đỗ, rau mầm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khuyến cáo, hướng dẫn người sản xuất không sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc có trong danh mục hóa chất bị cấm ở Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng giá đỗ, rau mầm để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Theo Tuổi Trẻ