Kiếm tiền tiêu tết ở nghĩa trang
> Nỗi lòng những người không muốn có Tết
> Bán trà đá, giữ xe, sửa giày kiếm bạc triệu/ngày
Chỉ quẩn quanh xây mộ ở nghĩa trang tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chừng 2 tháng cuối năm, anh em Tích đã có món tiền kha khá về quê ăn tết…
Vừa xây vừa trát
6 giờ sáng, khi người dân làng Cót (phường Yên Hòa) còn nô nức đi bộ tập thể dục thì anh em Tích đã có mặt ở nghĩa trang làng. Công việc cuối năm nhiều, thời gian xây mộ lại gấp gáp nên kể cả những ngày trời rét dưới 100C, Cương “đầu to” vẫn giục anh em Tích dậy sớm đi làm.
Trước đây đi làm điện nước cùng ông chủ Cương, ngoài 3 bữa cơm ăn, tối ngủ với chủ, anh em Tích còn được Cương “đầu to” trả 170.000 đồng/ngày; giờ xây mộ phải đi sớm, về muộn, Cương trả thêm 20.000 đồng/ngày cùng với 2 cốc bia cỏ buổi tối.
Nhe hàm răng vàng khè, bám đầy khói thuốc lá, thuốc lào, Tích cười bảo: “Thế là phúc tổ nhà em rồi. Cuối năm có việc lại được trả thêm tiền công. Mấy thằng đệ của em giờ thất nghiệp hết”. Té ra, trước đây Tích cũng là “anh chủ” của đám thợ gần 10 người.
Tích tâm sự, trước em cũng nhận những công trình tiền tỷ, bia hơi Hà Nội uống tẹt ga, thi thoảng lại kiếm một em “đổi gió”... Làm chủ sướng, lại oách thế, giờ làm thợ phụ nghĩ cũng tủi. Nhưng sông có khúc, người có lúc. Không biết khổ làm sao biết sướng hử anh? Vừa giãi bày nỗi lòng, Tích thoăn thoắt tay bay, tay bàn xoa.
Tôi hỏi Tích có phải người Hà Tây (cũ) không mà sao lại có cái biệt tài vừa xây vừa trát, Tích gọn lỏn: “Bắc Giang xịn”. Chà, không ngờ ở cái xứ sở vải thiều mà lại có những tay thợ… tài hoa đến vậy! Thấy tôi có vẻ thắc mắc về món “vừa xây, vừa trát” mà Tích đang làm, Tích nghiêm túc hẳn: “Em cứ tưởng bác làm báo thì trên phải thông thiên văn, dưới phải tường địa lý chứ.
Nhiều gia đình xây mồ mả họ xem ngày xem giờ kỹ lắm, nên bọn em phải làm như vậy để hoàn thành đúng tiến độ. Có khi chậm 2-3 tiếng, người ta mang lễ đến khánh thành mộ mà chưa xong là phạt tiền vì có hợp đồng hẳn hoi. Cũng có gia đình họ thương người âm, sợ dưới các cụ lạnh nên xây đến đâu yêu cầu thợ phải trát ngay đến đó. Nếu đột xuất kiểm tra, xây xong chưa trát mà lại bỏ sang xây mộ khác họ phạt ngay. Trong thời buổi gạo châu củi quế như bây giờ người ta cứ đánh vào kinh tế thì sống sao nổi”. Thì ra vậy!
Nghe Tích nói có vẻ triết lý, nhìn Tích làm như một nghệ nhân và nhất là khi được mục sở thị “bộ nhá thuốc lá đá thuốc lào” của Tích, ít ai nghĩ Tích đã 34 tuổi, chưa vợ con, chưa mảnh tình vắt vai. “Cuộc đời làm thợ xây dựng, nay đây mai đó, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, chẳng có thời gian nghĩ đến xây dựng gia đình riêng.
Anh bảo đi xây hàng trăm ngôi nhà lớn bé mà nhà mình thì chưa xây được, nghĩ tủi lắm chứ. Nhưng tội nhất vẫn là lúc đi xây mộ cuối năm. Có người ác khẩu bảo, cứ quẩn quanh ở nghĩa địa rồi cũng sớm thành ma”- giọng Tích buồn thiu. Nghĩ thương cha già mẹ héo, nên Tích bảo với đứa em ruột đi làm cùng mình là tìm được mối nào thì “nổ” sớm, đừng đi theo vết xe đổ của anh.
“Quái chiêu” kiếm bộn tiền
Ở cái khu nghĩa trang này, cuối năm “người xe như nước, áo quần như nêm”. Vì nhà nào, chi nào, họ nào cũng chỉnh trang mồ mả tri ân tổ tiên và cầu năm mới lắm lộc, nhiều tài. Đây là dịp của những “cò” mồ mả kiếm tiền. Dũng “mồ mả” là “cò” nhà đất có tiếng ở cả quận Cầu Giấy. Những năm 90 của thế kỷ trước, Dũng có biệt danh Dũng “cò”.
Nhưng từ ngày bất động sản đóng băng, Dũng “cò” thất nghiệp, ở nhà trông cháu và nấu cơm cho bà vợ bị tiểu đường nặng. Ngẫm cũng tội. Đời “lúc lên voi, lúc xuống chó”. Những lúc có hơi men, Dũng “cò” lại vò đầu bứt tai: “Chẳng lẽ mình lại là đồ bỏ đi”. Cái khó ló cái khôn, không buôn được đất cho người sống, Dũng “cò” chuyển sang buôn đất cho… người chết. Cái biệt danh Dũng “mồ mả” có gốc gác như vậy.
Dũng có dáng người cao, mắt hấp háy, môi thâm, tay phải run run như người bị bệnh Pakinson. Mỗi lần Dũng “mồ mả” xuất hiện ở nghĩa địa làng là kiểu gì cũng có một người đi kèm, có thể quen cũng có thể lạ. Và lại một suất mộ nữa được thanh lý. Dũng bảo buôn bán cái gì cũng phải có duyên, dù là mồ mả.
Nhiều người dân ở làng Cót băn khoăn không biết Dũng “mồ mả” kiếm đâu ra mà nhiều mộ phần thế. Té ra là 2 năm nay, tranh thủ lúc thất nghiệp, Dũng lượn lờ qua các nghĩa địa của làng tìm những khoảnh đất nhỏ vô chủ chừng 1m2 hoặc hơn, sau đó nhờ bạn chí cốt là Cương “đầu to” xây lên chừng 30-50cm, rồi trát trít cẩn thận, láng bê tông ở trên mặt và khắc tên rõ ràng (tất nhiên không phải là tên của Dũng “mồ mả”).
Mỗi ngôi như vậy, Dũng mồ mả trả cho Cương “đầu to” từ 500.000 - 1 triệu đồng tùy theo khoảnh đất. Nhiều gia đình khi sang đất (bốc mả) hoặc hỏa thiêu, khi chuyển về nghĩa trang làng, không có đất phải đến gặp Dũng “mồ mả”.
Mỗi ngôi như vậy, Dũng “mồ mả” kiếm chừng 10 triệu đồng; thậm chí có những ngôi người ta trả cho Dũng “mồ mả” đến 25 triệu đồng có kèm theo mấy lít rượu nếp cái hoa vàng (món này Dũng “mồ mả” ưa nhất).
Đấy, “quái chiêu” kiếm tiền của Dũng “mồ mả” chỉ vậy. “Nghĩa trang không có quy hoạch, mạnh ai nấy làm, có tội tình gì đâu. Mà mình làm như vậy là làm phúc cho người chết”- Dũng mạnh miệng tuyên bố.
Dũng “mồ mả” bảo, ở đời người ta cần 6 chữ “m” -minh mẫn, may mắn, mồ mả- đến giờ, đầu chưa kịp bạc nhưng Dũng đã có đủ 6 chữ “m”. Thế là phúc tổ ba đời rồi!
Theo Hữu Thông
Dân Việt